Thế giới vừa bước sang năm mới 2021, năm đặt ra nhiều câu hỏi lớn với loạt doanh nghiệp khổng lồ châu Á như Ant Group, Huawei hay Samsung.
Dưới đây là những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp khổng lồ châu Á phải đối mặt và giải quyết trong năm 2021, theo phân tích của tờ Nikkei Asia.
ANT GROUP LIỆU CÓ THỂ IPO?
Cơ hội để Ant Group - công ty tài chính liên kết của tập đoàn khổng lồ Alibaba - niêm yết cổ phiếu trong năm 2021 vẫn là một dấu hỏi lớn sau khi nhà chức trách Trung Quốc ra quyết định đình chỉ thương vụ này vào phút chót hồi tháng 11/2020. Ant Group trước đó dự định huy động 39,6 tỷ USD qua IPO tại sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông.
Nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu Ant dừng các hoạt động cho vay tín dụng lãi suất cao, bảo hiểm và quản lý tài sản, đồng thời muốn công ty này thành lập một công ty cổ phần riêng biệt để dảm bảo an toàn vốn và tuân thủ các quy định, trở thành một tổ chức tài chính được cấp phép đầy đủ.
Ant sẽ phải xây dựng các kế hoạch để tuân thủ và nộp lên để nhà chức trách phê duyệt theo đúng quy định. Do đó, giới ngân hàng và đầu tư nhận định IPO của công ty này có thể bị trì hoãn sang năm 2022.
Một số người cho rằng những phát ngôn của Jack Ma - người sáng lập Ant và Alibaba - ví hệ thống tài chính của Trung Quốc như một "tiệm cầm đồ" đã làm phật lòng giới quản lý và là một trong những nguyên nhân khiến IPO của Ant bị hủy vào phút chót.
Theo giới phân tích, quyết tâm kiểm soát quyền lực của các đại gia Internet của chính phủ Trung Quốc thời gian gần đây đồng nghĩa rằng IPO của Ant có thể không diễn ra trong năm 2021. Và nếu diễn ra, giá trị của công ty này cũng sẽ giảm mạnh, từ 320 tỷ USD ban đầu xuống chỉ còn 200 tỷ USD.
GRAB VÀ GOJEK SẼ SÁP NHẬP?
Theo Nikkei, mối quan hệ giữa Gojek và Grab, hai nhà cung cấp siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á, giống như mô típ quen thuộc trong phim truyền hình Hàn Quốc. Ban đầu, hai bên ở hai đối cực ngược nhau, sau đó xảy ra vài xung đột, rồi cả hai nhận ra mình thuộc về nhau. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu họ sẽ có một cái kết hạnh phúc như trong phim truyền hình?
Hiện tại, các cổ đông của cả hai startup đều đang thúc giục một thương vụ sáp nhập và nhìn xa hơn về một IPO bom tấn. Cả hai công ty hiện đều đối mặt với cạnh tranh ngày càng lớn từ Sea - một đại gia Internet khác trong khu vực. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 gây gián đoạn lớn cho hoạt động của cả Grab và Gojek. Những điều này có thể cả hai có thêm động lực để "về một nhà".
Tuy vậy, nếu quyết định sáp nhập, Grab và Gojek có thể đối mặt rào cản từ cơ quan quản lý chống độc quyền tại thị trường lớn nhất - Indonesia, nơi cả hai đang thống trị mảng gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán điện tử.
SON MASAYOSHI SẼ ĐƯA SOFTBANK THÀNH CÔNG TY TƯ NHÂN?
Masayoshi Son, người sáng lập SoftBank Group, nổi tiếng với những thương vụ đầu tư "khủng" nhưng có lẽ thương vụ lớn nhất từ trước tới nay sẽ là mua lại chính công ty của ông.
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng khả năng xảy ra thương vụ này là rất thấp. Tuy nhiên, Son nổi danh là tỷ phú "liều ăn nhiều" khi sẵn sàng thực hiện những thương vụ liều lĩnh để thu về lợi nhuận khổng lồ.
Những đồn đoán về việc Son sẽ đưa SoftBank trở thành công ty tư nhân ngày càng nóng lên khi công ty này liên tiếp bán nhiều tài sản, kể cả khi đã đạt được mục tiêu huy động 4.500 tỷ Yên (43,6 tỷ USD) theo kế hoạch công bố hồi tháng 3 để trấn an nhà đầu tư. Thương vụ gần đây nhất là bán Boston Dynamics - nhà sản xuất robot tại Mỹ có những video triệu lượt xem trên YouTube nhưng chỉ mang về doanh thu 2 triệu USD trong năm 2019.
Theo một số nhà phân tích, SoftBank đang thực hiện kế hoạch "tư nhân hóa" với việc mua lại cổ phiếu cho tới khi cổ phần của Son tăng từ mức 27% hiện tại lên hơn 66,7% để ông có thể "thâu tóm" các cổ đông còn lại. Ước tính việc này có thể cần tới hơn 10.000 tỷ Yên và huy động vốn là một nhiệm vụ đầu thử thách.
Với "máu liều", Son đã tạo ra được quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới trị giá 100 tỷ USD - Vision Fund và cũng tạo ra một trong những công ty nợ nhiều nhất thế giới. Do đó, một thương vụ như trên hoàn toàn có thể xảy ra, theo Nikkei Asia.
LEE JAE YONG SẼ TRỞ THÀNH CHỦ TỊCH SAMSUNG?
Samsung Electronic vừa kết thúc một kỷ nguyên sau khi chủ tịch, người sáng lập Lee Kun-hee qua đời hồi tháng 10/2020 sau hơn 6 năm nằm viện. Vậy, liệu con trai duy nhất của ông Lee Jae-yong, còn gọi là "Thái tử Samsung", sẽ chính thức lên nắm chức chủ tịch tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc?
Câu trả lời là con đường kế vị của Lee - hiện là chủ tịch Samsung Electronics - vẫn còn vô số rào sản.
Rào cản đầu tiên liên quan tới bản án vào năm 2017 với tội danh hối lộ dành cho Lee trong vụ việc khiến Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất. Sau đó, Lee đã ngồi tù 12 tháng, nhưng được hoãn thi hành án và tại ngoại vào năm 2018. Hiện tại, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đang xem xét lại để xác định xem bản án có quá khoan hồng hay không.
Bên cạnh đó, trong một vụ án khác, "Thái tử Samsung" bị cáo buộc gian lận kế toán và thao túng cổ phiếu tại các công ty con của tập đoàn Samsung. Vụ án này đã được khởi tố tại tòa án quận Seoul hồi tháng 10.
Trong cả hai vụ án, Lee đều đối mặt với bản án nhiều năm tù. Trong đó, ở vụ án thứ nhất, các công tố viên đã đề nghị án tù 9 năm dành cho ông.
Tuy vậy, giới phân tích nhận định, việc Lee có thể không được bổ nhiệm làm chủ tịch cũng không ngăn được ông kiểm soát tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Hiện ông là cổ đông lớn nhất của Samsung C&T, và qua đây kiểm soát Samsung Life Insurance - cổ đông lớn nhất của Samsung Electronics.
HUAWEI SẼ TỒN TẠI RA SAO TRONG NĂM 2021?
Một loạt động thái cấm vận của chính quyền Mỹ nhằm vào Huawei Technologies đang tạo áp lực lớn lên hãng smartphone và thiết bị viễn thông khổng lồ trung Quốc. Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, Huawei có thể chưa chịu ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn.
Hiện tại, công ty này vẫn còn hàng dự trữ gồm chíp và các vật liệu khác để vượt qua các lệnh hạn chế thương mại của Mỹ. Hơn nữa, các nhà cung cấp lớn của Huawei gồm Qualcomm và Sony, đều đã được cấp phép để tiếp tục làm ăn với công ty này.
Tất cả những điều trên hứa hẹn một năm 2021 với ít sóng gió hơn dành cho Huawei. Tuy nhiên, nhà sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông còn có một lợi thế lớn hơn cả, đó là sự ủng hộ của chính phủ Trung Quốc.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghệ nội địa và Huawei là nhân tố chính trong tham vọng này. Huawei không chỉ là hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc mà còn là nhà cung cấp các trạm cơ sở viễn thông 5G quan trọng nhất - nền tảng cho việc triển khai công nghệ không dây thế hệ mới của Trung Quốc. Do đó, sự sống còn của Huawei là vấn đề quan trọng mang tầm quốc gia và Bắc Kinh chắc chắn sẽ tiếp tục bảo vệ công ty này trước những "đòn tấn công" của Washington.
Post a Comment