Từ bê bối tham nhũng của Rolls-Royce, gian lận kế toán của Toshiba cho tới vụ trốn thuế của Apple, dưới đây là loạt bê bối tài chính chấn động của các doanh nghiệp nổi tiếng toàn cầu, theo MSN.
ROLLS-ROYCE HỐI LỘ
Năm 2012, cơ quan điều tra tại Anh, Mỹ và Brazil xác định hãng xe Rolls-Royce của Anh đã có hành vi hối lộ thông qua các đại lý trung gian để giành được các hợp đồng xuất khẩu tại 12 quốc gia trên thế giới - từ Nigeria cho tới Trung Quốc. Nổi tiếng với ôtô xa xỉ, Rolls-Royce cũng bán tuabin và phụ tùng máy bay chở khách và máy bay quân sự. Trong suốt nhiều năm, công ty này có quan hệ hòa hảo với chính phủ Anh cũng như nhiều quốc gia khác. Sau cuộc điều tra hối lộ, hãng xe Anh phải nộp phạt 810 triệu USD. Tuy vậy, không cá nhân nào bị khởi tố trong vụ việc này.
TESCO KHAI KHỐNG LỢI NHUẬN
Năm 2014, các giám đốc điều hành tại hãng bán lẻ tạp hóa Tesco của Anh rơi vào bê bối nghiêm trọng khi thừa nhận đã khai khống lợi nhuận thêm 520 triệu USD do áp lực cạnh tranh từ các chuỗi tạp hóa giảm giá mới nổi. Vụ việc khiến Tesco phải cải tổ hoàn toàn bộ máy lãnh đạo và đình chỉ 8 giám đốc cấp cao. Sau đó, công ty này chấp thuận chi 375 triệu USD để dàn xếp vụ điều tra. 4 năm sau, 2 cựu giám đốc của công ty bị cáo buộc gian lận được tuyên trắng án.
OLYMPUS GIAN LẬN TÀI CHÍNH
Năm 2011, các giám đốc tại hãng thiết bị y tế và camera Olympus của Nhật bị phát hiện đã làm giả chứng từ để che giấu khoản lỗ gần 1,7 tỷ USD. Đây là một trong những vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản. Sau 5 năm tố tụng, 6 giám đốc của Olympus bị tuyên án và phải nộp phạt 529 triệu USD.
APPLE TRỐN THUẾ
Năm 2013, một tiểu ban của Thượng viện Mỹ tiến hành điều tra và phát hiện hãng công nghệ khổng lồ Apple đã thành lập 3 thực thể ở nước ngoài với số tài sản hơn 100 tỷ USD để tránh phải nộp thuế tại Mỹ. Với khối tài sản khổng lồ đặt ở nước ngoài, chỉ riêng trong năm 2012, công ty này đã tránh được khoản thuế lên tới 9 tỷ USD. Theo một thượng nghị sĩ, công ty này trốn được "1 triệu USD tiền thuế mỗi giờ".
Dù vậy, theo luật pháp Mỹ, các nhà chức trách không thể truy tố Apple vì trốn thuế. Do đó, các thượng nghị sĩ xác định hành vi của Apple là "không phù hợp" thay vì "bất hợp pháp". Giới chuyên gia cho rằng đây là một ví dụ về lỗ hổng trong luật pháp Mỹ.
THERANOS LỪA ĐẢO
Đây là một trong những bê bối chấn động nhất tại Thung lũng Silicon trong 10 năm qua. Được thành lập bởi Elizabeth Holmes vào năm 2003, Theranos là một startup xét nghiệm máu dựa trên một thiết bị mà công ty này quảng cáo là có thể tiến hành hàng trăm xét nghiệm chỉ với một giọt máu.
Tới năm 2014, công ty này được định giá 9 tỷ USD và thiết bị của công ty được xem là một đột phá lớn trong ngành y tế. Tuy nhiên, không lâu sau đó, tờ Wall Street Journal đưa tin khẳng định những quảng cáo của Theranos là sai sự thật và thiết bị của công ty không làm được các xét nghiệm. Bài báo khiến startup đình đám một thời phải đóng cửa phòng thí nghiệm và dừng hoạt động vào năm 2016. Nhà sáng lập Holmes hiện đối mặt với các cáo buộc gồm 9 tội danh lừa đảo và 2 tội danh âm mưu lừa đảo qua điện thoại.
WELLS FARGO VÀ LOẠT HÀNH VI PHẠM PHÁP
Wells Fargo, một trong những ngân hàng lớn nhất tại Mỹ, hiện đang bị truy tố liên quan tới hàng loạt bê bối lợi dụng khách hàng trong khoảng năm 2016-2017. Ngân hàng này bị phát hiện đã tạo ra hàng triệu tài khoản tín dụng và thẻ tín dụng giả dưới tên các khách hàng thật (hành vi này khiến Wells Fargo phải nộp phạt 185 triệu USD), sa thải nhân viên tố cáo gian lận, tính phí quá cao trên các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, phân biệt đối xử khách hàng da màu và Latinh với các khoản vay có rủi ro và lãi suất cao, tính phí bảo hiểm mà không thông báo cho khách hàng (bị phạt 1 tỷ USD), gian lận chứng khoán (bị phạt 480 triệu USD)...
SAMSUNG HỐI LỘ
Lee Jae-yong, thường được gọi là "Thái tử" Samsung" mới đây bị tuyên án 2,5 năm tù với tội danh hối lộ bạn thân của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vào năm 2017 để giành được sự ủng hộ của chính quyền và củng cố quyền lực tại tập đoàn Samsung. Vụ việc khiến bà Park Geun-hye trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên tại Hàn Quốc bị phế truất. Bạn thân của bà Park được cho là đã nhận hơn 20 triệu USD, 3 con ngựa đua trị giá 2,8 triệu USD từ Samsung. Ông Lee bị bắt vào năm 2018 và phải ngồi thù gần 1 năm trước khi được hoãn thi hành án và tại ngoại.
TOSHIBA GIAN LẬN KẾ TOÁN
Năm 2016, Toshiba, đế chế công nghệ khổng lồ của Nhật, bị truy tố ra tòa sau vụ gian lận kế toán 1,3 tỷ USD. Theo cáo trạng, công ty này đã gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư khi hạ thấp chi phí vận hành và thổi phồng lợi nhuận từ năm 2008. Vụ việc khiến hàng loạt nhà đầu tư đâm đơn kiện đòi Toshiba bồi thường thiệt hạn 162,3 triệu USD. Giữa lúc bê bối này chưa được giải quyết, công ty Nhật lại đối mặt với một cuộc điều tra khác liên quan bộ máy lãnh đạo, trong đó công ty bị phát hiện đã sa thải 14.000 nhân viên, bán mảng kinh doanh y tế và bán linh kiện máy tính cho các công ty lắp ráp với giá cắt cổ.
SAC CAPITAL GIAO DỊCH NỘI GIÁN
Năm 2013, quỹ đầu cơ SAC Capital Advisors, do tỷ phú Steven Cohen đứng đầu, gây chấn động với khoản phạt kỷ lục lên tới 1,2 tỷ USD sau khi thừa nhận hành vi giao dịch nội gián. Cuộc điều tra liên quan tới vụ việc này đã kéo dài cả thập kỷ. Trong số 8 cựu nhân việc của SAC bị truy tố hình sự, 6 người đã nhận tội. Công ty cũng bị buộc dừng hoạt động quản lý tiền cho các nhà đầu tư bên ngoài. Tuy nhiên, bản thân tỷ phú Cohen không bị buộc tội. Ông sở hữu tài sản khoảng 9 tỷ USD vào thời điểm công ty bị điều tra.
Ảnh: Shutterstock/iStock/Getty Images
Post a Comment