Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/1 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, bàn về nhiều vấn đề trong quan hệ giữa hai nước, trong đó có vụ tấn công mạng quy mô lớn bị nghi có liên quan tới Nga nhằm vào hệ thống máy tính của Mỹ.

Theo tin từ Bloomberg, điện Kremlin xác nhận cuộc điện đàm trên diễn ra, đồng thời miêu tả cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo là "mang tính chất công việc và thẳng thắn".

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết ông Biden và ông Putin đã bàn về về sự sẵn sàng của hai nước trong viêc gia hạn thỏa thuận vũ khí hạt nhân New START thêm 5 năm nữa.

Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Putin diễn ra trước khi tân Tổng thống Mỹ điện đàm với lãnh đạo của nhiều quốc gia đồng minh. Điều này cho thấy ông Biden rất xem trọng việc xử lý các thách thức trong quan hệ giữa Washington với Moscow.

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng ông Trump hiếm khi chỉ trích ông Putin. Thậm chí, ông Trump còn tỏ ra ủng hộ tuyên bố của ông Putin - một tuyên bố bị cộng đồng tình báo Mỹ bác bỏ - rằng Moscow không can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 nhằm giúp ông Trump đắc cử.

"Tổng thống Biden tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ dành cho chủ quyền của Ukraine", tuyên bố của Nhà Trắng cho biết. "Tổng thống cũng nếu những vấn đề khác mà Mỹ quan tâm, bao gồm vụ tấn công mạng SolarWinds, thông tin cho rằng Nga treo thưởng trên sinh mạng của binh sỹ Mỹ ở Afghanistan, vấn đề can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, và vụ đầu độc" Alexey Navalny - một chính trị gia đối lập của Nga.

Trong một động thái nhằm thể hiện sự đoàn kết của Mỹ với đồng mình trong việc giải quyết các vấn đè liên quan đến Nga, ông Biden cùng ngày có cuộc điện đàm với ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Biden và ông Stoltenberg đã thảo luận về việc "ứng phó với một nước Nga đã trở nên cứng rắn hơn" - một tuyên bố của NATO cho hay.

Về vấn đề Ukraine, Mỹ ủng hộ Chính phủ ở Kiev, trong khi Nga thân lực lượng nổi dậy ở miền Đông nước này.

Các cơ quan tình báo Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) cho rằng Nga có thể chính là thủ phạm trong một chiến dịch tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của các công ty lớn và các cơ quan Chính phủ Mỹ. Chiến dịch tấn công này được thực hiện một phần thông qua một phần mềm được sử dụng rộng rãi đến từ công ty SolarWinds có trụ sở ở Austin, Texas.

Việc ông Biden nhắc đến nghi án đầu độc ông Navalny làm gia tăng sức ép đòi Nga phóng thích nhà lãnh đạo đối lập này. Trong khi đó, tuyên bố của điện Kremlin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo không đề cập đến việc hai ông thảo luận vấn đề Navalny.

Hôm 20/8/2020, ông Nalvany bị nghi trúng độc trên một chuyến bay từ Tomsk tới Moscow. Sau đó, ông đưa được đưa tới Đức để chữa trị và xuất viện hôm 22/9/2020. Vào ngày 17/1, ông Navalny bị cơ quan chức năng Nga bắt giữ khi từ Đức về Moscow.

Về New START, ông Putin đã thể hiện quan điểm sẵn sàng gia hạn thỏa thuận hạt nhân dự kiến hết hạn vào tháng 2. Chính quyền ông Biden cũng đã nhất trí gia hạn thỏa thuận, cho dù các cố vấn của ông Trump đề xuất chỉ gia hạn nếu thỏa thuận được mở rộng sang các loại vũ khí hạt nhân khác. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết hai nước sẽ "làm việc gấp rút để hoàn tất việc gia hạn thỏa thuận trước ngày 5/2".

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top