Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 12/1, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, dù năm 2020 nhiều khó khăn thách thức nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực vượt qua, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. 

Lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 1.527 tỷ, vượt kế hoạch. Nộp ngân sách 27.800 tỷ đồng. Chỉ tiêu tổn thất điện năng ước đạt 6,42% vượt chỉ tiêu đề ra (6,5%), đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển.

Bước sang năm 2021, năm khởi đầu cho giai đoạn phát triển 2021-2025, với mục tiêu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.

Các nguồn nhiên liệu sơ cấp truyền thống trong nước như than, thuỷ điện, khí tự nhiên ngày càng cạn kiệt… trong khi nhu cầu phát triển nguồn điện ngày càng lớn. EVN phải đảm bảo phát triển thủy điện mà không phá môi trường, không tạo ra lũ lụt, ảnh hưởng tới người dân.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu EVN đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo để giảm bớt sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu sơ cấp nước ngoài. Tập trung bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Nếu giá điện cao thì sản phẩm Việt Nam không cạnh tranh được.

“EVN là đơn vị chủ lực của nhà nước đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an ninh về điện. Nếu kinh doanh có hiệu quả nhưng không đáp ứng đủ điện cho sản xuất, tạo ra hiệu quả thứ cấp cho nền kinh tế thì phải chịu trách nhiệm với Nhà nước”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. 

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

EVN phải khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Cùng với đó, Phó thủ tướng yêu cầu Tập đoàn tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành quy hoạch điện VIII, trong đó lưu ý xác định rõ quy mô, tổng công suất nguồn điện cho từng giai đoạn. Xác định rõ cơ cấu nguồn điện, ưu tiên các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo với cơ cấu phù hợp đảm bảo vận hành an toàn hệ thống trong từng giai đoạn. 

“Chủ động tham mưu đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện đáp ứng yêu cầu đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

EVN cần đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện; khắc phục triệt để hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo. 

“EVN cần phối hợp với Bộ Công Thương để có cơ chế phù hợp đảm bảo khuyến khích người dân phát triển các hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất, đảm bảo công bằng, hài hoà. Thời gian vừa qua quản lý lúng túng, nên bị phát triển theo phong trào…, cần nghiên cứu từng bước, không được để xuất hiện trục lợi chính sách mà không quản lý được”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện, thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top