Vài năm trở lại đây, giới chuyên gia nhiều lần dự báo về một thời điểm Trung Quốc sẽ "soán ngôi" nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ, đặc biệt là khi nước này hồi nhanh chóng sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. 

Tuy vậy, theo Wall Street Journal, điều này còn tùy thuộc vào việc nước này có duy trì được đà tăng trưởng hiện tại hay không và cơ cấu nhân khẩu học sẽ là một rào cản lớn. Tờ báo Mỹ cho rằng dù có soán ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ, Trung Quốc có thể khó duy trì được vị trí đó. 

Theo các nhà nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư Nomura mới đây, nếu đồng Nhân dân tệ tăng giá hơn nữa và ở mức khoảng 6 Nhân dân tệ đổi 1 USD, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2026. Dự báo này được đưa ra dựa trên báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó ước tính GDP danh nghĩa của Trung Quốc đạt 7,9% trong năm 2025 và sẽ còn tăng nữa, và dựa trên giả định rằng kinh tế Mỹ sẽ thụt lùi so với mức trước đại dịch. Đồng quan điểm, tháng 12/2020, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) dự báo Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ vào năm 2028 nếu ảnh hưởng kinh tế của Covid-19 kéo dài.

"Cả dự báo tăng trưởng kinh tế lẫn tiền tệ đều không chắc chắn. Kể cả khi tăng trưởng của Mỹ thụt lùi, Trung Quốc sẽ ngày càng khó duy trì được mức tăng trưởng trước đại dịch do rào cản về nhân khẩu học và xu hướng năng suất lao động", Wall Street Journal chỉ ra. 

Tờ báo này nhấn mạnh rằng kể cả khi tỷ lệ sinh của Trung Quốc cải thiện chỉ sau một đêm, nhóm dân số trong độ tuổi lao động từ 20-65 sẽ giảm 10% vào cuối những năm 2030. 

Theo dự báo của Liên hợp quốc, vào khoảng năm 2035 - 2040, tỷ lệ dân số già của Trung Quốc - tỷ lệ người trên 65 tuổi so với người trong độ tuổi lao động - sẽ vượt của Mỹ. Trong khi đó, Văn phòng Ủy ban công tác người cao tuổi toàn quốc và Hiệp hội người cao tuổi Trung Quốc năm 2019 dự báo vào năm 2035, hơn 1/4 dân số nước này là người già. Vào năm 2050, con số này sẽ là hơn 1/3, tức cứ 3 người Trung Quốc sẽ có 1 người cao tuổi, tương đương 487 triệu người. 

Báo cáo của cơ quan này cho biết Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số già cao nhất trên thế giới và cũng là nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

Tỷ lệ sinh giảm có tác động quan trọng đến nền kinh tế và dự trữ lao động Trung Quốc. Nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm và tuổi thọ tăng, sẽ không có đủ người trẻ để hỗ trợ kinh tế và hỗ trợ người già. Số lượng người cao tuổi tăng nhanh sẽ gây thêm áp lực lên hệ thống lương hưu của Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này sẽ khiến Trung Quốc không còn lợi thế lớn về lao động giá rẻ và dần suy giảm. 

Tờ Wall Street Journal cho rằng trừ khi Trung Quốc thu hút được nhiều người nhập cư hoặc thúc đẩy được đáng kể sự tham gia của lực lượng lao động, nước này sẽ không dễ duy trì được năng suất lao động. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất để duy trì tăng trưởng kinh tế trong vài thập kỷ tới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 18/1 cho GDP của nước này tăng 6,5% trong quý 4/2020 và 2,3% cả năm. Đây là mức tăng trưởng hàng năm yếu nhất của kinh tế Trung Quốc trong 44 năm qua, nhưng lại là con số tăng trưởng dương duy nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn của thế giới trong 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 8% trong năm nay. Câu hỏi đặt ra là liệu nước này có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong tương lai hay không?

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top