Trong những phiên giao dịch gần đây, giá USD trên thị trường tự do liên tục nóng vì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Ghi nhận tại tuần trước, giá vàng thế giới dao động khá mạnh, chốt tuần ở mức 1.856 USD/oz, tương đương tăng 1,5% so với tuần liền trước.

Cùng lúc, giá vàng tại Việt Nam lại phản ứng khá chậm so với thị trường quốc tế. Điều này khiến chênh lệch giá vàng giữa 2 thị trường nới rộng lên mức 4 -5 triệu đồng/lượng.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, chênh lệch giá vàng bị kéo doãng đã kích thích nhu cầu USD tự do và khiến tỷ giá tự do USD/VND tuần trước tăng thêm tới 150 VND ở chiều mua vào và 145 VND chiều bán ra, lên mức 23.510 - 23.545 VND/USD. So với thời điểm cuối năm 2020, giá USD tự do đã tăng tới hơn 1,5%.

Đà tăng còn tiếp tục kéo dài sang phiên giao dịch đầu tuần này.  Cụ thể, tỷ giá thị trường tự do tăng mạnh 100 VND ở chiều mua vào và 110 VND ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.510 – 23.655 VND/USD.

Thậm chí, vào hôm nay (26/1), giá USD tự do đã chạm mốc 23.580 – 23.630, tương ứng ở chiều mua vào và bán ra.

USD tự do tăng mạnh vì chênh lệch giá vàng - Ảnh 1.

Tương quan diễn biến VND và CNY so với USD.

Ngoài nguyên nhân chủ yếu do chênh lệch giá vàng, chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng USD được neo cao cũng khiến USD tự do tăng trong thời gian qua.

Hiện, tâm lý hưng phấn trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden hạ nhiệt bởi diễn biến ngày càng trầm trọng của dịch bệnh. Số ca nhiễm toàn cầu đã gần 100 triệu ca, đặc biệt số ca siêu lây nhiễm tăng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất PMI tháng 1 cũng khá khác biệt khi tăng mạnh tại Mỹ (từ 56.5 lên 59.1) nhưng giảm ở cả EU và Nhật. Những diễn biến trên khiến USD giảm giá nhẹ trong tuần trước nhưng chỉ số DXY vẫn duy trì mức 90,2 điểm.

Quay lại với thị trường trong nước, USD tự do tăng cũng tạo sức ép nhẹ lên thị trường ngân hàng. Tỷ giá niêm yết USD/VND của các ngân hàng thương mại nhích tăng 5 VND, lên mức 22.955 - 23.165.

“Cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ổn định và tỷ giá USD/VND sẽ vẫn giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn”, nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.

Tại thị trường tiền tệ, tuần qua, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch và lãi suất trên liên ngân hàng giảm nhẹ 3 điểm cơ bản về mức 0,175%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,23%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất tiền gửi và cho vay cũng không có thay đổi trong tuần vừa qua.

Hiện tại, một số ngân hàng cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng quý 1/2021 từ 3-4% so với cuối năm 2019.

Song, theo quan sát, tăng trưởng tín dụng các năm trước thường rất thấp trong tháng 1, thậm chí có thể tăng trưởng âm với những năm tín dụng tăng quá mạnh trong tháng 12 năm liền trước.

Bởi vậy, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn dư thừa, lãi suất tiền gửi, lãi suất liên ngân hàng sẽ giữ ổn định ở vùng hiện tại và lãi suất cho vay được kỳ vọng có thể giảm nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên trong quý 1/2021.

Tại thị trường trái phiếu chính phủ, Kho bạc Nhà nước gọi thầu thêm được 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tỷ lệ đăng ký/ gọi thầu là 335% và toàn bộ được phát hành hết ở mức lãi suất trúng thầu giảm tới 10 điểm cơ bản ở 3 kỳ hạn 10, 15 và 30 năm; không đổi ở kỳ hạn 20 năm.

Bên cạnh kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng, một số ngân hàng thương mại lớn đáo hạn nhiều trái phiếu chính phủ và dư thừa thanh khoản nên gia tăng đấu thầu khiến lãi suất trúng thầu giảm 12-14 điểm cơ bản kể từ đầu năm đến nay.

Lợi tức trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng giảm thêm 2-7 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 15 năm trở lên. Chốt tuần ở mức 1 năm 0,25%; 3 năm 0,62%; 5 năm 1,08%; 10 năm 2,18%; 15 năm 2,38%; 20 năm 2,87%; 30 năm 3,05%. Thanh khoản thị trường tăng cao, tổng giá trị giao dịch tuần đạt mức cao lịch sử 89,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng giao dịch và mua ròng 1.289 tỷ đồng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top