Trong báo cáo mới nhất vừa công bố, khối Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu của HSBC đã không tiếc lời khi đánh giá về những kết quả mà Việt Nam đạt được trong năm 2020. Mặc cho những thách thức chưa từng diễn ra trước đây, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ.

Việt Nam đã tỏa sáng trong một năm thật đặc biệt khi trở thành là một trong những quốc gia có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới trong năm 2020, nhờ những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.  

"Năm 2020 là một năm đầy thách thức cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, Việt Nam đã thể hiện vượt trội hơn bất cứ quốc gia nào. Trong khi kinh tế các nước phát triển chậm lại một cách rõ rệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong năm 2020", báo cáo phân tích.

PHỤC HỒI MẠNH MẼ SAU KHỦNG HOẢNG 

Dẫn chứng: Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 với tỷ lệ 2,91%, HSBC nhấn mạnh đến những nhân tố tạo nên kỳ tích của Việt Nam là nhờ vào tổ hợp các yếu tố tích cực bao gồm các biện pháp ngăn chặn virus sớm một cách hiệu quả, nhanh chóng quay lại hoạt động bình thường và xuất khẩu các mặt hàng điện tử bùng nổ.

Cụ thể, nhờ có các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nhanh chóng dẫn đến hoạt động sản xuất được khôi phục nhanh, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt trội so với các nước trong khu vực khi tăng trưởng cả năm đạt 6,5%. Nhưng đây là một bức tranh pha trộn. Trên thực tế, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống (ví dụ như dệt may và da giày) đã giảm 10%, do nhu cầu ở châu Âu và Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề do lệnh phong tỏa. Điều đó cho thấy, luôn có hai mặt của một vấn đề. Trong khi đại dịch tấn công một trong những trụ cột quan trọng của ngành xuất khẩu Việt Nam, xuất khẩu các sản phẩm có nhu cầu cao suốt giai đoạn đại dịch đã được thúc đẩy đáng kể. Điều này bao gồm tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng điện tử đạt mức 10% do số hóa và nhu cầu làm việc tại nhà, bên cạnh mức tăng 48% đối với thiết bị máy móc và đối với sản phẩm gỗ là 15%. Cụ thể, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang đối tác chính Mỹ đã tăng hơn 30%, do nhu cầu nhà ở tại Mỹ đã tăng vọt trong đại dịch.

Với bên ngoài, Việt Nam đã có thể chống lại sự gián đoạn chuỗi cung ứng và đang trên đà phục hồi ổn định. Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng duy trì rất tốt, với tiêu dùng tư nhân hồi phục một cách tương đối nhờ vào sự giảm thiểu tác động của dịch bệnh.

Với dân số hơn 95 triệu người, Việt Nam đã xoay xở để san bằng đường cong Covid-19 sớm hơn nhiều và duy trì tổng số ca nhiễm ở quanh mức 1.500 nhờ áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh một cách nhanh chóng và những nỗ lực truy vết tiếp xúc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý.

Tuy có một làn sóng dịch bệnh lần hai quay lại và tồn tại ngắn ngủi vào cuối tháng 7/2020, sự phục hồi của Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng. Cuộc khủng hoảng đã làm nổi bật thế mạnh của Việt Nam như một nền kinh tế và một cơ sở sản xuất linh hoạt, đồng thời tiếp tục cho phép Việt Nam giữ vững vị trí ngôi sao sáng của khu vực.

KỲ VỌNG PHỤC HỒI MẠNH MẼ TRONG 2021

Kết thúc năm 2020 với thắng lợi mạnh mẽ, Việt Nam sẽ khởi động năm 2021 với một sự kiện chính trị quan trọng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Đại hội này sẽ đặt ra những ưu tiên kinh tế mới trong giai đoạn năm đến 10 năm tới. Tất cả sự chú ý đều dồn về việc làm sao Việt Nam thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với những đối tác thương mại lớn cũng như đẩy mạnh quá trình cải cách đang diễn ra.

Trong Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 vừa được ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2021 đạt khoảng 6,5%, cao hơn kế hoạch năm 2021 được Quốc hội giao là khoảng 6%. GDP tính theo bình quân đầu người trong năm 2021 theo đó sẽ đạt khoảng 3.700 USD.

Với nhiều điểm sáng, Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn và nhiều tổ chức đã phân tích, đưa ra những dự báo tăng trưởng hết sức lạc quan cho Việt Nam trong năm 2021.

Cụ thể, trong báo cáo "Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam", WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Các phân tích và dự báo của WB được đưa ra dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, đặc biệt khi vaccine Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả.

WB cho rằng, hai bài học rút ra qua xử lý thành công khủng hoảng Covid-19 có thể áp dụng để giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường, trong đó cách tốt nhất để đối phó với cú sốc bên ngoài là phải chuẩn bị từ trước, đồng thời phải hành động sớm và kiên quyết. Hơn nữa ngoài tầm nhìn và năng lực, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới, sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của các cá nhân, tập thể và đây được coi là nền tảng cho các chiến lược ứng phó với những nguy cơ về y tế và khí hậu.

Liên quan đến các dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, trong công bố báo cáo mới đây về triển vọng phát triển của 193 nền kinh tế tới năm 2035 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh cũng cho thấy kinh tế Việt Nam có thể sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào 2035.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, CEBR dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 7%, giảm nhiệt xuống còn 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Đây là hai nền kinh tế được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25. Đánh giá về kết quả tăng trưởng năm 2020, báo cáo của CEBR cũng nhìn nhận nhờ kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng dương, đạt mức 2,91% và thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Đặc biệt nhất là HSBC khi đưa ra dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam cao nhất trong các tổ chức quốc tế với mức tăng trưởng đến 7,6%. Theo HSBC, trong năm 2021, có nhiều lý do để tin rằng đà phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ còn tiếp tục. Về mặt đối ngoại, thương mại của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong năm 2020, bao gồm cả EVFTA, RCEP và UKVFTA. Mức thuế thấp hơn và khả năng tiếp cận các thị trường chính rộng mở hơn sẽ mang lại lợi thế so sánh cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và giúp đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu của họ, trong khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục vì Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư hấp dẫn.

Cụ thể, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI lớn và nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết. "Do kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh mẽ trong những quý tới, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ chính sách tiền tệ của mình cho đến quý II/2022, trước khi có thể đưa ra mức tăng lãi suất 0,25% vào quý III/2022, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 4,25% đến cuối cuối năm 2022", các chuyên gia của HSBC kỳ vọng.

Mặc dù đưa ra nhiều dự báo lạc quan về Việt Nam trong năm 2021, nhưng HSBC cũng lưu ý vẫn có những rủi ro đối với quá trình phục hồi kinh tế. Trước hết, lĩnh vực du lịch vẫn còn nhiều trở ngại. Bởi dù điều tồi tệ nhất có thể đã qua sau quý II/2020, nhưng các dịch vụ liên quan đến du lịch như vận tải, lưu trú vẫn trong tình trạng ảm đạm.

Ngoài ra, thị trường lao động mềm của Việt Nam vẫn là một thách thức. Mặc dù có một số cải thiện trong quý III/2020, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng với mức lương thấp hơn. Nếu vẫn tiếp tục, sự việc này có thể sẽ dẫn đến sự phục hồi kéo dài trong chi tiêu tiêu dùng, vốn là trụ cột chính của tăng trưởng.

"Mặc cho những khó khăn kéo dài, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam", HSBC nêu quan điểm. Cơ sở cho niềm tin tích cực này là Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và công nghệ sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi. 

HSBC kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng GDP đạt 7,6%. Trong khi đó, áp lực lạm phát có khả năng tiếp tục ở mức vừa phải. Chúng tôi dự báo lạm phát toàn phần ở mức trung bình khoảng 3,3% vào năm 2021, thấp hơn mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top