Hệ thống giao dịch nghẽn tiếp tục đóng băng VN-Index cuối ngày ở đỉnh cao nhất phiên, đạt 1.192,28 điểm. Như vậy nếu so với đỉnh cao lịch sử tại 1.204,33 điểm hôm 9/4/2018, khoảng cách chỉ còn hơn 12 điểm, tương đương với 1-2 phiên tăng nữa.
Chỉ số phiên này tăng 7,39 điểm là khá nhẹ, tốc độ chậm hơn trung bình gần đây. Chẳng hạn tuần trước bình quân mỗi ngày VN-Index tăng gần 13 điểm, phiên hôm qua chỉ số tăng hơn 17 điểm. Dù vậy khoảng cách 12 điểm cũng không phải là nhiều, chỉ cần một ngày tăng "đúng chỉ tiêu" là VN-Index sẽ làm nên kỳ tích mới: Phá đỉnh lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nguyên nhân khiến đà tăng hôm nay kém đi là do các "đầu tàu" của chỉ số hoạt động yếu. VNM tăng 0,35%, VHM tăng 0,29%, GAS tăng 0,32% khá thất vọng, VIC tăng 0,53%. Điều này cũng không bất ngờ vì hôm qua VHM vừa tăng kịch trần, VNM tăng 3,5%, VIC tăng 1,8%.
Vài trò dẫn dắt đặt lên vai VCB tăng 1,05%, SAB tăng 1,58%, BID tăng 1,04%. Cổ phiếu gây bất ngờ là HPG tăng tới 4,3%. HPG vốn hóa chưa phải là lớn nhất so với các "siêu trụ" nhưng mức tăng hôm nay rất đáng kể. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất ở mã này kể từ đầu tháng 12/2020. HPG tạo được hơn 1,7 điểm cho chỉ số.
Nhìn chung cả nhóm blue-chips phiên này không thật sự mạnh. VN30-Index chỉ tăng có 0,48% với 16 mã tăng/9 mã giảm. Rất ít cổ phiếu tăng mạnh nổi bật và đa số là không có nhiều ảnh hưởng được tới chỉ số. FPT tăng 1,7%, KDH tăng 2,3%, REE tăng 3,71%, SSI tăng 1,64%, TCH tăng 3,73% là những cổ phiếu duy nhất đáng chú ý.
Thiếu đi sức mạnh của nhóm blue-chips dẫn dắt, VN-Index mặc dù tăng khá tốt trong cả phiên chiều nhưng tình thế khá mong manh. Thậm chí buổi sáng chỉ số còn giảm nhẹ khoảng 0,48% dưới tham chiếu trong một nhịp rung lắc nhỏ. Tuy vậy đà phục hồi cũng kém và thanh khoản lại giảm. Từ khoảng 1h30 trở đi hệ thống giao dịch rất chậm, dù trước đó thanh khoản chưa đến mức cao như các phiên trước.
Sàn HSX phiên sáng khớp lệnh thấp bất ngờ, chỉ đạt hơn 11.920 tỷ đồng. Hôm qua phiên sáng tới 12.242 tỷ đồng. Phiên chiều chỉ giao dịch được 2.857 tỷ đồng, giảm tới 31% so với chiều hôm qua. Rõ ràng là hệ thống giao dịch đã bị nghẽn ở ngưỡng thanh khoản thấp hơn bình thường.
Mặc dù vậy độ rộng ở sàn này vẫn đang thể hiện đà tăng giá tích cực đối với cổ phiếu. VN-Index ghi nhận cuối ngày với 204 mã tăng/131 mã giảm, trong đó hơn 100 mã tăng vượt 2%. Đây vẫn là đà tăng giá khả quan, tập trung nhiều vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Chỉ số VNMidcap tăng 1,48%, VNSmallcap tăng 1,35%.
Như vậy tình trạng suy yếu ở nhóm blue-chips vẫn đang diễn ra. Kể cả khi VN-Index tăng rất tốt trên 17 điểm như hôm qua thì vai trò chính vẫn là vài mã trụ bùng nổ, còn mặt bằng giá cổ phiếu VN30 thì không mạnh. Hôm nay cũng vậy, mức tăng ở đa số mã chỉ mang tính dao động. Cổ ngân hàng phân hóa nhiều với CTG, HDB, MBB, STB, TCB, VPB giảm. Ngay như nhóm cổ phiếu chứng khoán, hôm nay nhiều mã tăng mạnh thì vẫn chỉ là dao động trong vùng đỉnh của tuần trước. VCB, BID là hai mã ngân hàng tốt nhất hôm nay thì giá còn kém khá xa so với đỉnh tuần trước.
Cơ hội cho thị trường tăng vẫn đang mở rộng vì vẫn còn hiện tượng tăng mạnh ở cổ phiếu trụ cũng như luân phiên hàng ngày. Khả năng đạt và vượt đỉnh cao lịch sử 1.204 điểm chỉ còn cách 1-2 phiên tăng nữa. Những mã như VIC hay VHM vẫn có cơ hội kết hợp cùng trụ ngân hàng đưa chỉ số lên cao hơn.
Thực chất các trụ chỉ cần làm việc trong buổi sáng và đẩy VN-Index lên cao. Phần còn lại hệ thống sẽ làm nốt vì lệnh không thể vào được thêm. Điều bất ngờ nhất hôm nay chính là hiện tượng nghẽn lệnh ở ngưỡng thanh khoản có phần thấp hơn mọi ngày. Giá trị khớp tại sàn HSX hôm nay chỉ đạt 14.777 tỷ đồng, giảm 10% so với hôm qua và là mức thấp nhất 7 phiên. Sau khi HSX nâng lô lên 100, mức giao dịch quanh 14.000 tỷ là hoàn toàn "thông thoáng" giống như phiên ngày 4-5/1 vừa qua.
Thanh khoản trong nhóm cổ phiếu VN30 phiên này cũng khá thấp, chỉ khớp gần 6.879 tỷ đồng, cũng giảm 10% so với hôm qua. Nhóm Midcap giao dịch giảm chưa tới 3%, nhóm Smallcap giảm 9%. Rổ này trong đợt ATC giao dịch gần 10,5 tỷ đồng là rất thấp. Cả sàn HSX đợt ATC đạt 44,7 tỷ đồng. Mức giao dịch này tiếp tục xác nhận hiện tượng nghẽn lệnh. Nếu ngưỡng nghẽn lệnh giảm xuống thì thị trường càng có cơ hội tăng cao hơn, vì sức ép từ phía bán sẽ càng lép vế ở ngưỡng thanh khoản thấp hơn.
Post a Comment