Cuối năm 2020, sau khi thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận nêu lên những sai phạm về đất đai tại Tổng công ty lâm nghiệp (Vinafor), Tổng công ty chè (Vinatea),  Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG). Mới đây, Chính phủ đã có văn bản đồng ý với kết luận thanh tra và giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên -Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 3 doanh nghiệp nói trên và các cơ quan liên quan thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

HÀNG LOẠT SAI PHẠM VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI  

Vinafor là đơn vị đầu tiên cổ phần hóa đồng thời là công ty mẹ, cùng với thực hiện sắp  xếp các công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước. Đối với việc thoái vốn, tái cơ cấu tại các đơn vị thành viên, theo phương án cổ phần hoá, Vinafor phải thực hiện thoái vốn tại 11 đơn vị. Công ty mẹ Vinafor chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/9/2016 với vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ của Vinafor. Vốn cổ đông tư nhân nắm giữ chiếm 49%. Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, tính đến cuối năm 2017, cơ quan thanh tra xác định Vinafor được giao quản lý, sử dụng 83 cơ sở nhà đất (tổng diện tích đất 55,39 ha). Nhưng đến nay mới trình phê duyệt xử lý, sắp xếp 7 cơ sở (diện tích đất 5,13 ha); còn 76 cơ sở (50,26 ha đất) chưa được xử lý, sắp xếp theo quy định.

Ngày 26/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2090/TTg phê duyệt phương án cổ phần hoá Công ty mẹ -  Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam. Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam trước khi chuyển đổi. Tổng số vốn điều lệ được phê duyệt trong phương án cổ phần hoá của VRG được Chính phủ phê duyệt lên tới 40.000 tỷ đồng. Tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 43.614 người. 

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, tính đến cuối năm 2017, VRG có 759 cơ sở nhà, đất nhưng mới trình cơ quan chức năng phê duyệt xử lý, sắp xếp 43 cơ sở, chiếm 5,7% (diện tích đất 15,39 ha, diện tích nhà 42.198 m2). Thanh tra Chính phủ xác định, việc VRG cho thuê một phần diện tích văn phòng làm việc tại cơ sở nhà, đất số 177 Hai Bà Trưng, quận 3, Tp.HCM và số 56 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội là chưa đúng quy định. Một số khu "đất vàng" khác tại quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội và quận Bình Thạnh, Tp.HCM đem cho thuê, mượn làm nhà để ở để bị lấn chiếm chưa thu hồi được hoặc không đúng mục đích được giao.

Tổng công ty chè Việt Nam – Công ty cổ phần (Vinatea) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá theo Quyết định số 864/TTg ngày 16/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 17/12/2015, Tổng công ty chè Việt Nam – Công ty CP chính thức được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Vinatea đưa 12 khu đất để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định; thoái vốn không thông qua đấu giá, vi phạm quy định, bao gồm: khu đất tại số 225 đường  Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tp.HCM; Số 25D đường Cát Linh, Hà Nội; Số 126  Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng; Số 341 Vạn Mỹ, đường Đà Nẵng, Đông Hải, Hải An, Hải Phòng; Kho Cổ Loa, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội; Khu đất tại Lương Sơn – Hòa Bình; Số 59 An Bình, quận 5, Tp.HCM; Trụ sở Tổng công ty chè tại số 92 Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Đất vườn ươm Chiềng Đi, huyện Vân Hồ, Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Đất Nhà máy chè Vân Hồ, Bó Nhang, xã Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La; Đất Nhà máy chè Chiềng Đi, bản Bó Chiềng Đi, xã Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La; Khu đất tại đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

KIẾN NGHỊ BỘ CÔNG AN ĐIỀU TRA VI PHẠM ĐẤT CÔNG SẢN 

Sau quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành chấn chỉnh, khắc phục và xử lý những tồn tại, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại VRG, Vinafor và Vinatea. Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra xác minh để xử lý theo quy định pháp luật đối với vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà, đất đối với 12 khu đất.

Trong đó, có 4 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội, bao gồm: Số 67 Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng); Số 25D Cát Linh (quận Đống Đa); Khu đất 1.500 m2 tại phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng); Kho Cổ Loa, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. 2 cơ sở nhà, đất tại Tp.HCM, bao gồm: Số 59 An Bình, quận 5; số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. 

Tại các địa phương khác, có 6 cơ sở nhà, đất, bao gồm: Số 126 phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Số 341 Vạn Mỹ, quận Hải An, Hải Phòng; Khu đất có diện tích 13.147 m2 tại Lương Sơn, Hoà Bình; Khu đất có diện tích 11.022 m2 (Vườn ươm trồng chè) tại thôn Chiềng Đi, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La; Khu đất có diện tích 15.123 m2 (Nhà máy chè Vân Hồ) tại thôn Bó Nhang, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La; Khu đất có diện tích 5.402 m2 (Nhà máy chè Chiềng Đi) tại Chiềng Đi, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La.  

Phản hồi về kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tổng công ty chè Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và báo cáo Chính phủ, trong đó khẳng định từ 17/12/2015 đến nay hoàn toàn không liên quan tới các sai phạm về quản lý và sử dụng đất đai theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, ngay sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty cổ phần chè Việt Nam đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai, các khoản nợ không có khả năng thu hồi, các khoản lỗ và các nghĩa vụ tài chính không được bàn giao như vay vốn, bảo lãnh... từ giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước (trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).

Về kết luận thanh tra số 1452 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Vinatea, Tổng công ty chè Việt Nam có đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan để khẳng định: toàn bộ sai phạm trong việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Vinatea theo kết luận thanh tra số 1452 hoàn toàn thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý của Tổng công ty chè Việt Nam - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn). 

Nhà nước đã thoái toàn bộ vốn tại Vinatea, nên các lãnh đạo cũ tại Tổng công ty chè Việt Nam hiện không còn quyền lãnh đạo ở Vinatea hiện tại, mà Hội đồng quản trị mới đã được thành lập bởi các cổ đông mua vốn chiến lược. Vinatea khẳng định, Tổng công ty chè Việt Nam hoàn toàn không liên quan tới các sai phạm trên theo kết luận của Thanh tra. Trong danh sách 12 khu đất được Thanh tra Chính phủ xác định vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, có 3 khu đất liên quan thuộc danh mục tài sản được Nhà nước bàn giao chính thức cho Tổng công ty Cổ phần chè Việt Nam, bao gồm: số 225  Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 59 An Bình và 92 Võ Thị Sáu (trụ sở chính của Tổng công ty chè Việt Nam). Hiện nay, cả 3 khu đất này đều vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai (trong giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước điều hành, quản lý) khiến Tổng công ty chè Việt Nam có nguy cơ mất quyền kế thừa, sở hữu tài sản và thiệt hại lớn trong hoạt động phát triển doanh nghiệp.

Để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông, nhà đầu tư, đồng thời bảo vệ uy tín thương hiệu, Tổng công ty chè Việt Nam sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu nại và khởi kiện các sai phạm khác thuộc giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước (trước cổ phần hoá). Cụ thể, khởi kiện các sai phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai về 3 khu đất thuộc danh mục tài sản được Nhà nước bàn giao chính thức cho Tổng công ty chè Việt Nam khi cổ phần hoá, bao gồm: số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 59 An Bình, 92 Võ Thị Sáu để thực hiện quyền sở hữu và bảo vệ tài sản chính đáng của doanh nghiệp.  Vinatea cũng sẽ khiếu nại tới các cơ quan quản lý nhà nước liên quan về việc: quyết toán cổ phần hoá về tài chính thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước - Tổng công ty chè Việt Nam – Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (bao gồm cả khoản lỗ 61 tỷ đồng phát sinh từ giai đoạn trước cổ phần hoá và lãi chậm nộp phát sinh). Khởi kiện các nghĩa vụ về các khoản nợ và bảo lãnh ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước: Tổng công ty chè Việt Nam – Công ty Ttrách nhiệm hữu hạn một thành viên không có trong nội dung bàn giao cổ phần hoá cho Tổng công ty chè Việt Nam - Công ty cổ phần.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra và giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 3 doanh nghiệp nói trên và các cơ quan liên quan thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top