Chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch giằng co vào ngày thứ Sáu (26/2), trong khi hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones nối tiếp xu thế giảm của phiên trước. Tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn rất mong manh khi nỗi lo lạm phát đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên cao nhất 1 năm trong tuần này.
Cả ba chỉ số cùng mất điểm mạnh trong tuần, khi Phố Wall lo sợ rằng lạm phát sẽ "bốc đầu" và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự báo.
S&P 500 mất 2,5% trong tuần, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp; Dow Jones trượt 1,8%; còn Nasdaq "bốc hơi" 4,9%.
Dù vậy, với xu hướng tăng mạnh trước đó dựa trên kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm mở cửa trở lại, cả ba chỉ số cùng đạt thành quả tăng trong tháng 2. Trong đó, Dow Jones tăng gần 4%; Nasdaq tăng gần 1%; và S&P 500 tăng khoảng 2,6%.
Trong phiên ngày thứ Sáu, giới đầu tư không còn bán tháo cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu Apple, Amazon, Microsoft và Alphabet đều tăng từ 0,2-1,4% mỗi cổ phiếu.
Phiên này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm "hạ nhiệt" về mức 1,404%, sau khi lập đỉnh của hơn 1 năm ở 1,614% trong phiên ngày thứ Năm. Tuy nhiên, chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của Phố Wall vẫn đang ở vùng cao nhất 1 tháng, cho thấy tâm lý còn bấp bênh của nhà đầu tư.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm đặc biệt nhạy cảm với sự gia tăng của lợi suất trái phiếu, bởi giá trị của những cổ phiếu này phụ thuộc nhiều vào thu nhập trong tương lai của doanh nghiệp - yếu tố chịu ảnh hưởng bất lợi khi lãi suất tăng.
"Chắc chắn đường đi của lãi suất sắp tới là đi lên", Giám đốc đầu tư Andrew Mies của 6 Meridian phát biểu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 1,5%, còn 30.932,37 điểm. S&P 500 sụt 0,48%, còn 3.811,15 điểm. Nasdaq tăng 0,56%, đạt 13.192,34 điểm.
Dù là những nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trong S&P 500 trong tháng này, hai nhóm tài chính và năng lượng giảm tương ứng 2% và 2,3% trong phiên ngày thứ Sáu. Nhóm công nghệ tăng 0,6%, trong đó nhóm bán dẫn tăng 2,3%.
"Nhưng vẫn còn một số nhân tố hỗ trợ giá cổ phiếu mà chúng ta không thể bỏ qua", ông Mies nói, nhấn mạnh kế hoạch kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
Trong hai phiên ngày thứ Tư và thứ Năm, "cơn điên" GameStop có dấu hiệu tái xuất khi giá cổ phiếu này tăng mạnh trở lại sau một thời gian im ắng, dù không có một chất xúc tác cụ thể nào. Tuy nhiên, cổ phiếu GameStop chốt phiên ngày thứ Sáu với mức giảm 6,4%.
Số liệu công bố ngày thứ Sáu cho thấy tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1 tăng mạnh nhất 7 tháng, nhưng áp lực giá cả vẫn ở mức thấp.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giả giá nhiều gấp 1,56 lần số mã tăng; trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,73 lần. Có tổng cộng 15,54 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 15,4 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Post a Comment