Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi ngày có hơn 140 triệu người ở Nam và Đông Nam Á uống nước ngầm bị ô nhiễm asen (thạch tín).
Bài học về việc sử dụng nước vô tội vạ gây ra sự tăng trưởng đột biến các ca ung thư ở Bangladesh đã từng khiến cả thế giới sửng sốt và ở Việt Nam, nếu như không có cách giảm thiểu sự tác động của con người tới nguồn nước ngầm, thì sự tăng trưởng số lượng ca ung thư ở nước ta là điều có thể dự báo được.
Các nhà khoa học xác định chính xác nguồn gốc của ô nhiễm là ở dãy núi Himalaya, nơi các trầm tích có chứa thạch tín tự nhiên được vận chuyển xuống các lưu vực sông ở hạ lưu đông dân cư bên dưới. Thạch tín thay vì bị giữ lại trong đất gần sông, đã ngấm vào các mạch nước ngầm có độ sâu 30 m (phần lớn dân lấy nước ở tầng này) là do vi khuẩn (arsenic- bacteria).
Xét thạch tín xảy ra do sự tương tác sinh vật với môi trường
Thông thường, vi khuẩn sử dụng oxy để thở, nhưng trong môi trường yếm khí, nó có thể sử dụng các hóa chất khác, bao gồm gỉ sắt và asen. Khi các vi khuẩn chuyển hóa sắt và asen, vi khuẩn chuyển đổi hợp chất đó thành một dạng dễ hòa tan trong nước. Như vậy, mức độ vi khuẩn chuyển hóa thạch tín nhiều hay ít là do môi trường sống của chúng ở điều kiện gì (thoáng khí hay kị khí) và các điều kiện này lại phụ thuộc vào đặc điểm lên xuống của mực nước ngầm và nước mặt.
Do đó, việc con người xây đập chắn nước, khoan giếng, đào ao, hay sử dụng nước ngầm quá nhiều đều gây ra sự thay đổi môi trường oxy hóa - khử dưới đất và điều này làm ảnh hưởng đột biến đến hàm lượng thạch tín trong nước ngầm.
Chính vì lý do trên, sau khi chế độ thủy văn bị thay đổi, khiến tập tính và mức độ tồn tại của vi khuẩn ăn asen thay đổi, việc có một số ngôi làng, thị trấn có số dân bị ung thư tăng đột biến trong vài năm cũng là điều dễ hiểu (kết hợp với sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, thức ăn...) và thuật ngữ dân gian có lẽ do quá hoảng sợ thì gọi là động long mạch chăng?
Xét trên quan điểm địa chất
Ở nước ta, các khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã trải qua nhiều lần biển tiến, biển thoái, qua đó hình thành sự thay đổi theo một vòng tuần hoàn môi trường địa chất sông đến đầm lầy, cuối cùng là biển và lại ngược lại. Qua đó, có những chu kỳ hình thành các lớp đầm lầy nằm xen kẹp trong các lớp cát kết, sét kết nối chồng lên nhau.
Trong môi trường đầm lầy, tập trung nhiều vật chất hữu cơ tồn tại trong môi trường khử, qua đó các nguồn vật chất trong đó có các kim loại nặng như thủy ngân, chì, thạch tín; các nguyên tố phóng xạ và kim loại nặng như uranium, thạch tín được các hệ thống sông, nước ngầm vận chuyển và được hấp phụ vào các tầng đất đầm lầy. Tại đó xảy ra quá trình phản ứng hóa học tạo phức chất bền vững trong môi trường yếm khí vào các tầng đầm lầy này. Khi các kim loại nặng, các nguyên tố phóng xạ ở trạng thái phức được hình thành, nó sẽ chui vào các lỗ hổng của các tầng cát kết tạo thành tầng chứa của các nguyên tố phóng xạ và kim loại nặng.
Khi có sự hoạt động khai thác nước ngầm của con người hoặc bất cứ quá trình nào làm thay đổi trái tự nhiên mực nước ngầm cơ sở, môi trường yếm khí bị phá vỡ, oxy được đưa vào. Qua đó, nó sản sinh ra các nguyên tố phóng xạ, kim loại nặng ở trạng thái độc hơn với cơ thể con người và từ đó đã làm gia tăng số lượng các ca ung thư ở nước ta lên mức báo động, ngoài nguyên nhân từ đồ ăn thức uống, hóa chất, ô nhiễm môi trường...
Qua đó chúng ta có thể thấy rằng, môi trường hiện nay của chúng ta không phải là không có các chất phóng xạ và kim loại nặng có hại, mà chúng ở đầy rẫy xung quanh, do chúng ta mà trở nên ngày càng được sản sinh ra ở các trạng thái độc hơn với con người và do đó gây tác hại vô cùng lớn tới sức khỏe của con người. Ngay từ bây giờ, việc kiểm soát tài nguyên nước, tôn trọng hơn các quy luật vận hành của nước trong tự nhiên lại là cách giúp cho sức khỏe của giống nòi được cải thiện.