Điện thoại thông minh là một trong những sản phẩm công nghệ tiêu biểu của Hàn Quốc.
Đất nước Hàn Quốc hiện nay được thế giới biết đến với tư cách một cường quốc công nghệ, với những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) Samsung, tốc độ kết nối Internet cao nhất thế giới, và năng lực sáng tạo vượt trội.
Các ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sắp tới cũng đang vạch ra những kế hoạch thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nhằm đưa nền kinh tế nước này tăng tốc trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, có một thực tế là lợi thế của các công ty Hàn Quốc so với các đối thủ Trung Quốc đang bị rút ngắn nhanh chóng.
Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc, nói rằng sau 5 năm nữa, sẽ gần như không có khác biệt nào giữa công nghệ của các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc trong hầu hết các lĩnh vực, bao gồm smartphone cao cấp, thiết bị công nghệ đeo trên người (wearables), chip nhớ, và các thiết bị điện tử thông minh.
“Trong số những ngành chính, có vẻ như Hàn Quốc chỉ có lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc ở lĩnh vực chất bán dẫn và màn hình”, chuyên gia kinh tế Kim Hyeon-wook thuộc viện nghiên cứu này nhận định. “Chính phủ không nên khoanh tay đứng nhìn mà cần phải vạch ra một chiến lược nhất quán với những cải tổ cần thiết”.
Chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc đặt mục tiêu đưa nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới từ chỗ phụ thuộc nhiều vào lao động trình độ thấp trở thành một nền kinh tế với sự thống lĩnh của công nghệ cao, từ robot tới hàng không vũ trụ. Với chiến lược này, Trung Quốc sẽ phát triển ngày càng mạnh các ngành công nghệ cao và đưa các công ty của mình trở thành “đối thủ mạnh” của các công ty Hàn Quốc - báo cáo trên nhận định.
Cuộc rượt đuổi công nghệ của Trung Quốc với Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh xứ sở kim chi đang chật vật tìm động cơ tăng trưởng mới để thay thế cho những ngành sản xuất truyền thống như đóng tàu, vốn đã lâm cảnh khó khăn trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, cuộc chạy đua giữa hai nước đặc biệt gay cấn trong những lĩnh vực công nghệ mới.
Theo một báo cáo, khoảng cách trung bình giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong 24 ngành công nghiệp chính như công nghệ sinh học và màn hình chỉ còn 0,9 năm. Điều này đồng nghĩa với việc nếu các công ty Hàn Quốc không nỗ lực, thì Trung Quốc sẽ đuổi kịp họ sau một khoảng thời gian như vậy.
“Sự cải thiện về công nghệ của Trung Quốc đang thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị giữa Hàn Quốc và Trung Quốc”, ông Cho Chuel, giám đốc phụ trách nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc nói.
Thay vì cấu trúc theo chiều dọc trước đây, trong đó Hàn Quốc sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng với công nghệ cao, sự cạnh tranh giữa hai bên sẽ ngày càng trở nên ngang bằng hơn, và Hàn Quốc sẽ phải đầu tư thêm để tạo ra được những sản phẩm cạnh tranh tốt hơn, theo ông Cho.
“Tôi muốn chứng kiến những chính sách mới có thể thay đổi căn bản cấu trúc công nghiệp của Hàn Quốc”, ông Lim Hyun-seo, giám đốc điều hành Tankerfund, một công ty Hàn Quốc khởi nghiệp (startup) về nền tảng mạng ngang hàng, phát biểu. “Hàn Quốc đang có những ngành công nghệ cao, nhưng cần phải bàn xem liệu Hàn Quốc có thể phát triển như thế nào trong tương lai”.
Các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc đều đưa ra những chính sách ủng hộ sự phát triển công nghệ cao. Tuy nhiên, còn phải chờ xem những chính sách này có thể kéo dài bao lâu và mang lại kết quả ra sao.
Các chính phủ trước đây của Hàn Quốc đều vạch ra kế hoạch nhằm tăng cường sự cạnh tranh của nền công nghiệp nước này, chẳng hạn sáng kiến nền kinh tế sáng tạo của cựu Tổng thống Park Geun-hye, hay chương trình phát triển xanh của cựu Tổng thống Lee Myung-bak. Tuy nhiên, các chính sách này đều “chết yểu” do sự thay đổi chính trị.