Trước phiên giải trình, ghi nhận từ nhiều địa phương cho thấy rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công.
Tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là chủ đề phiên giải trình do Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức chiều 2/10.
Giữa năm nay, tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã cho thấy nhiều vấn đề bất cập của đầu tư công.
Đó là thủ tục còn phức tạp, chồng chéo, bố trí vốn còn dàn trải, giải ngân chậm, vốn ODA dự toán luôn thiếu...
Có đại biểu đặt vấn đề, nguyên nhân của tình trạng này có phải vẫn do tồn tại cơ chế xin - cho, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia quá sâu, không cần thiết vào quá trình phân bổ nên ách tắc đầu tư hay không?
Cũng tại kỳ họp thứ ba, với nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã yêu cầu thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đề cao trách nhiệm của các cấp trong quản lý đầu tư công, khắc phục tình trạng giao vốn đầu tư chậm, tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án được ưu tiên, đảm bảo tiến độ, không để tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, thất thoát, lãng phí...
Trước phiên giải trình, ghi nhận từ nhiều địa phương cho thấy rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công.
Tại nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ban hành đầu tháng 8/2017, Chính phủ cho biết 6 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 25,6% dự toán được Quốc hội thông qua.
Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm hiệu quả huy động và sử dụng vốn đầu tư công.
Nguyên nhân chủ yếu, theo Chính phủ là giao vốn còn chậm, thủ tục đầu tư xây dựng còn phức tạp, công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành và địa phương còn thiếu quyết liệt.
Yêu cầu của phiên giải trình là đánh giá đầy đủ, khách quan thực trạng tình hình, những yếu tố tác động, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Qua hoạt động này huy động được trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia để đưa ra kiến nghị, đề xuất phù hợp nhằm triển khai có hiệu quả Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 gắn với cơ cấu lại đầu tư công.
Chịu trách nhiệm giải trình là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Chịu trách nhiệm phối hợp giải trình gồm có lãnh đạo các bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương Binh và Xã hội, Xây dựng.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh, thành phố chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng nằm trong đối tượng giải trình.
Theo chương trình dự kiến, tại phiên giải trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu tham dự lãnh đạo các bộ có liên quan sẽ tham gia làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi phụ trách.