Tôi 30 tuổi, mới lấy vợ 2 tháng sau gần một năm yêu. Vợ kém tôi 10 tuổi. Khi yêu tôi đã biết cô ấy rất trẻ con, không chịu suy nghĩ cho người khác, dễ nổi nóng với tôi và cả bố mẹ vợ.
Nhiều khi có tôi ở đó mà cô ấy cãi nhau với bố mẹ đẻ như chém chả, không chịu nhún nhường chút nào. Tôi khuyên không nên có thái độ như vậy thì cô ấy giận tôi, hễ có chuyện gì là cô ấy không bao giờ nghĩ mình sai hay nhún nhường một chút. Tôi cố gắng nghĩ cô ấy trẻ con nên không chấp nhưng có nhiều chuyện nếu không nói không được. Từ lúc yêu cho đến lúc cưới, mỗi khi xảy ra cãi vã cô ấy đều nói với thái độ chia tay luôn.
Có một lần đến bữa ăn cơm cô ấy cứ dùng điện thoại xem video, tôi nói lúc ăn thì tắt đi, vợ chồng nói chuyện, cả ngày đi làm dùng điện thoại rồi tối về ăn cơm bỏ xuống 15 phút. Thế mà vợ đùng đùng bỏ cơm, rồi bỏ nhà ra tiệm cắt tóc gội đầu, tôi bực quá nói là "Ở đâu ra cái kiểu chồng nói một cái đã bỏ ra khỏi nhà, đồ mất dạy, đi thì đi luôn đi đừng về nữa". Sau đó cô ấy còn nhắn tin với bạn rằng đã bị tôi đuổi khỏi nhà. Cô ấy còn so sánh tôi với người yêu cũ, rằng lúc trước yêu người kia 3 năm chưa bao giờ bị chửi dù đối xử với người đó không ra gì. Tôi đọc đến câu đó thực sự rất điên tiết.
Trước khi lấy nhau tôi biết cô ấy đã quan hệ với người cũ nhưng bỏ qua, không quan tâm quá khứ. Vậy mà vợ chồng mới cãi nhau một tý là cô ấy đem tôi ra so sánh. Đáng trách người bạn kia của cô ấy lại thêm dầu vào lửa, đến giờ cô ấy vẫn không chịu xin lỗi hay xuống nước, rất cứng đầu, không nghĩ làm vậy là sai. Nhờ chuyên gia giúp đỡ tôi giải quyết vấn đề này. Tôi yêu vợ, mong cô ấy biết điều hơn chút, hay là tôi đã làm quá mọi chuyện lên? Xin chân thành cảm ơn.
Dũng
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Bạn thân mến!
Qua bức thư bạn gửi về cho tòa soạn, tôi cảm nhận được sự bức xúc và không hài lòng của bạn với cuộc sống hôn nhân hiện tại, cũng như sự cấp thiết của việc tìm ra phương thức phù hợp hơn để giúp hai vợ chồng giao tiếp hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của cả hai bên trong mối quan hệ vợ chồng. Bạn và vợ trước khi cưới cùng trải qua mối quan hệ thân mật trong vòng một năm, khoảng thời gian đủ để cho bạn biết về những thói quen, một số nét tính cách nổi bật của vợ. Nếu như trước kia mỗi khi mâu thuẫn xảy ra, bạn đều có những cách xử lý của riêng mình, giờ đây việc bạn tìm kiếm sự trợ giúp, tham khảo ý kiến của mọi người cho thấy bạn đã sẵn sàng cho một phương thức mới để giải quyết những vấn đề đã diễn ra trong khoảng thời gian dài.
Có lẽ ở thời điểm hiện tại, tôi tin bạn đã nhận ra việc tiếp tục làm tăng căng thẳng giữa hai bên sẽ không thể đem lại hiệu quả mong muốn hay giải quyết được mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Theo quan điểm chuyên môn của mình, tôi cho rằng đây là lúc bạn cần bình tĩnh, nhìn nhận lại sự việc và tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi then chốt: "Bạn mong đợi điều gì ở vợ mình? Liệu cô ấy biết điều đấy chứ"?
Trong mọi mối quan hệ, việc hai người đáp ứng được những nhu cầu, mong muốn của nhau luôn là tiêu chí quan trọng trong việc duy trì chất lượng kết nối giữa hai bên. Ở mỗi giai đoạn phát triển, mong muốn của cá nhân về đối phương sẽ có những thay đổi nhất định, tùy thuộc vào tính chất mối quan hệ và đặc điểm tính cách của từng người. Vì vậy, phải chăng những mong muốn của bạn về vợ mình đã thay đổi khi mối quan hệ của cả hai tiến thêm một bước mới: từ mối quan hệ yêu đương đơn thuần chuyển sang mối quan hệ vợ chồng? Tôi tin khi quyết định đi đến hôn nhân, cả hai đều cảm thấy đối phương đáp ứng được phần lớn những nhu cầu của bản thân trong quá khứ. Vậy ở thời điểm hiện tại, khi cả hai bước vào một giai đoạn mới, vợ chồng bạn hiểu rõ ràng về những nhu cầu của nhau như thế nào? Hai bạn có thể liệt kê những điểm mà mỗi người biết chắc chắn về nhu cầu của đối phương để hiểu hơn về cái nhìn của nhau.
Tôi hy vọng việc trước tiên bạn làm sau khi bình tĩnh lại là làm rõ với bản thân một cách cụ thể về những điều bạn mong muốn và lý do để làm, thay vì tìm vợ để nói rõ phải trái. Sau đó có thể trò chuyện và hỏi vợ về những điều tương tự, cùng thảo luận về việc cả hai có thể đáp ứng được đến đâu những nhu cầu đó, nói với thái độ tôn trọng và luôn giữ bình tĩnh, tránh đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm khó giải quyết. Vợ bạn đang ở độ tuổi nằm trong giai đoạn chuyển giao giữa tuổi thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành. Vì vậy, có thể cô ấy chưa thực sự hiểu về những lễ nghi giao tiếp một cách hoàn toàn. Tôi mong bạn sẽ là người đồng hành kiên nhẫn hướng dẫn và yêu thương vợ.
Bên cạnh đó, hai bạn có thể tìm cách để "quay lại" khoảng thời gian vui vẻ khi mới yêu, hâm nóng tình cảm vợ chồng bằng một số phương thức sau: Hai vợ chồng cùng nhau thực hiện các hoạt động từng mang lại những kỷ niệm đẹp giống như xưa (đi ăn tại những nhà hàng cũ cả hai cùng thích ăn, quay lại nơi bạn từng cầu hôn cô ấy). Vợ chồng cùng ngồi hồi tưởng lại những kỷ niệm xưa, kể cho nhau nghe về những cảm xúc vui vẻ, nồng ấm khi đó. Nếu có điều kiện, vợ chồng có thể kết hợp hai hoạt động trên với nhau trong thời gian liên tục, ví dụ cùng du lịch đến nơi cả hai từng đi nghỉ tuần trăng mật. Tuy nhiên, hoạt động này nhằm gợi lại những cảm xúc tích cực khi xưa, tránh việc so sánh giữa cuộc sống quá khứ và hiện tại, điều này có thể đem đến kết quả đi ngược lại với mong muốn của bạn.
Mâu thuẫn là việc không thể tránh khỏi trong một mối quan hệ, nhất là quan hệ vợ chồng, khi hai người có những đặc điểm khác nhau chung sống trong cùng một mái nhà. Việc học cách chấp nhận và tìm ra những mong muốn của cả hai luôn là việc cần làm với bất cứ cặp vợ chồng mới cưới nào để tiến tới cuộc sống ổn định sau này. Chúc hai bạn sẽ cùng nhau tìm được tiếng nói chung, đi qua những khó khăn ban đầu để có hạnh phúc bền lâu.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.