Tôi với chồng quen nhau năm năm rồi mới kết hôn, trước giờ anh vốn là người khô khan, ít quan tâm đến tôi.
Tôi 30 tuổi, kết hôn được ba năm, có con trai một tuổi. Chồng hơn tôi một tuổi và đang làm cho một công ty tư nhân, lương tháng 80 triệu đồng. Nhiều lúc tôi cảm thấy rất buồn vì điều này, nhưng nghĩ có thể chấp nhận được nên tiến tới kết hôn. Ở thời điểm hiện tại, sau khi có con nhỏ, tôi cảm thấy ngột ngạt.
Tôi có tinh thần cầu tiến, không bao giờ muốn làm người phụ nữ vô dụng nên luôn dành nhiều thời gian cho chuyên môn và sự nghiệp. Sau khi có con, mọi chuyện thay đổi hẳn. Hết thời gian thai sản, tôi làm việc trở lại, mọi việc không hề suôn sẻ. Tôi bị sếp chèn ép, công việc chồng chất mà lại nhiều thứ mới khiến bản thân không đủ thời gian nghiên cứu. Khi bế tắc, tôi tâm sự với chồng, muốn xin lời khuyên và định hướng, điều tôi nhận lại luôn là câu: "Không thích thì nghỉ đi". Xin nói thêm, tôi và anh làm chung ngành, chỉ khác công ty. Tôi nghĩ những khúc mắc của mình anh dư sức xử lý. Vậy mà thay vì hướng dẫn vợ, anh chỉ nói câu đó khiến tôi hụt hẫng.
>> Chồng thờ ơ với việc vun vén gia đình
Ngoài công việc, tôi và anh cũng không nói chuyện nhiều. Trong thai kỳ, tôi luôn phải đi khám thai một mình vì anh bảo "đi thế cho nó nhanh", chỉ khi thai lớn anh mới đi với tôi. Lúc tôi sinh em bé, sinh thường nhưng lại bị hậu sản phải phẫu thuật, không làm được gì nhiều trong suốt tháng đầu sau sinh. Vì trúng đợt dịch nên nhà chỉ có hai vợ chồng, anh giúp tôi việc nhà và chăm hai mẹ con. Khi tôi khỏe lại, anh ít giúp dần, chỉ hỗ trợ khi tôi nhờ vả. Anh vẫn làm việc nhà, không nề hà, nhưng tôi chỉ mong anh có thể tự giác hơn. Anh rất tháo vát nhưng lười, chuyện trong nhà anh làm được hết, thậm chí còn giỏi hơn tôi, từ nấu ăn, giặt giũ, lau nhà, ủi đồ... nhưng không chịu làm vì xem đó là việc của người vợ.
Ông bà nội ngoại đều lớn tuổi nên không thể giúp được gì, tôi phải tự quán xuyến toàn bộ. Anh thậm chí còn nói trước: "Nếu sau này con bị bệnh, em đưa đi khám nhé, anh ghét thủ tục ở bệnh viện, mất thời gian lắm". Anh không rượu chè, cờ bạc, cũng không chơi bời đàn đúm, kể cả cuối tuần. Tối về nhà là anh thay đồ rồi chơi với con, ăn cơm tối xong anh lại chỉ chơi cùng con tới 21h rồi để tôi chăm và cho con ngủ, anh ôm điện thoại chơi game đến đêm. Sáng sớm anh dậy thay tã cho con, chơi với con một chút rồi đi làm. Tôi từng đề cập với anh chuyện thuê bảo mẫu, anh không đồng ý vì không tin tưởng người ngoài.
Cuộc sống vợ chồng tôi rất ít tương tác, chỉ lúc ăn cơm tối là tôi phải ngồi nghe anh kể về việc trên công ty, còn việc của tôi kể thì anh chỉ ậm ừ cho qua. Nhiều lúc nửa đêm con đói, quấy khóc, tôi dậy cho con bú, thấy anh nằm ngủ ngon nên tủi thân. Chuyện chăn gối sau sinh của vợ chồng tôi cũng thưa dần, một tháng chắc một lần. Anh đòi hỏi nhưng tôi không đồng ý vì nhà chật, sợ con thức giấc. Hơn nữa, sau khi sinh con, nhu cầu tôi giảm hẳn, không có ham muốn và dễ bị đau. Có lẽ nhu cầu của chồng quá cao, vì thế anh hằn học. Nhiều lần tôi phát hiện anh xem phim ảnh đen để tự xử, tôi thấy ghê nhưng cũng nhắm mắt cho qua.
>> Chia tay bồ, chồng vẫn thờ ơ với vợ con
Tôi cố gắng tâm sự với anh nhiều nhưng chồng luôn tin rằng cuộc sống hiện tại, phân công công việc của hai vợ chồng đã ổn, do tôi đòi hỏi quá nhiều và không biết trân trọng những gì mình đang có. Nếu tôi làm lớn chuyện, anh giận dữ rồi nói: "Có muốn đổi vị trí không? Tôi sẵn sàng ở nhà nuôi con để cô đi làm". Tôi không hiểu đã là vợ chồng, sao anh lại so đo, rạch ròi vai trò như người ngoài như thế? Công việc hiện tại của anh lương cao cũng nhờ tôi làm hậu phương bao năm.
Tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại thật bế tắc, mong muốn tiếp tục và thăng tiến nhưng vì phải chăm con nên không thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc được. Nếu được chồng hỗ trợ thì tốt biết mấy. Anh chỉ biết tập trung vào sự nghiệp, nhiều khi cái tôi cần là sự chia sẻ cũng không có. Đôi lúc nửa đêm tôi khóc, chồng cũng không biết, sáng ra hỏi vì sao mắt tôi sưng. Tôi không biết nếu tiếp tục thế này liệu có bị trầm cảm rồi nghĩ quẩn hay không. Xin các bạn cho tôi lời khuyên.
Lam
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc