Mỗi người một quan điểm dạy con khác nhau, mỗi đứa trẻ lại khác nhau nữa, tôi học vừa làm mẹ vừa rút kinh nghiệm thôi.

Khi con tròn năm tuổi, tôi đã thấy hàng xóm tối tối chở con họ đi học tiếng Anh. Hồi đó nhà chỉ có ba mẹ con, buổi tối cơm nước, tắm rửa cho con xong ba mẹ con đi dạo loanh quanh khu nhà mình ở. Thấy con bứt mấy bông hoa xuyến chi ven đường tặng mẹ mà tôi vui, nghĩ cứ để con khám phá cuộc sống đã, tiếng Việt còn chưa sõi, học tiếng Anh làm gì, trong khi làm gì có môi trường để thực hành đâu, học bằng thừa.

Khi con vào lớp một, chưa biết đọc bảng chữ cái, trong khi các bạn ở lớp đọc viết khá tốt. Tôi đành hướng dẫn con phân biệt sách vở qua màu sắc nhãn vở chứ không biết đọc thì sao biết đâu là sách ghi tên mình. Sau sáu tháng, con tôi mới học bằng các bạn. Lớp một nghe nói nhiều người "ngoại giao" cho con vào lớp chọn mất kha khá tiền, rồi đi học thêm nhà cô buổi tối, con tôi chỉ nói: "Mẹ ơi, viết đau tay rồi", thế là nghỉ, khỏi phải luyện chữ, mấy mẹ con lại ra đường chơi. Cuối năm con tôi đạt giấy khen vượt bậc môn Toán, còn các bạn đạt loại xuất sắc. Mấy mẹ con lại chở nhau đi ăn gà rán thưởng cho con đã kết thúc năm học.

>> Vợ dạy con với nguyên tắc cứng nhắc

Nghỉ hè, có năm con nói thích học bơi, có hè lại thích học vẽ, học võ. Con thích học gì tôi cho học nấy, không thấy con nói thích học Văn, Toán bao giờ. Đầu năm học cấp hai, tôi xác định từ giờ nên khuyến khích con tập trung học vì kiến thức đã nhiều hơn so với cấp một. Lúc đầu tôi thấy con vẫn bị cô giáo chê thiếu sót chỗ nọ chỗ kia, khi nghe mẹ phân tích góp ý lại thấy con chuyên tâm học hành, điểm cũng không đến nỗi tệ. Con chủ động xin mẹ cho đi học thêm với bạn, con nói ở lớp học thêm cô giảng nhiều dạng bài mà bình thường trên lớp chưa chữa bao giờ. Tôi lại xin cô cho con đi học.

Dịp 20 tháng 11, khi đến nhà thăm và chúc mừng cô giáo, tôi thường chở con đi theo, đơn giản là để con biết dịp này mẹ con mình cần thể hiện tấm lòng tri ân tới cô. Con cũng thấy bố mẹ quan tâm tới cô giáo, người dạy dỗ con. Con tôi vẫn là đứa trẻ ngoan ngoãn, biết phụ mẹ làm việc nhà, biết trông em, biết tự đạp xe tới trường, chủ động học hành. Tất nhiên con vẫn mắc lỗi, có lúc ham chơi và bị mẹ phạt. Khi mẹ phân tích, con biết sai và sửa lỗi.

Con viết chữ xấu, có lúc điểm chưa cao nhưng có tiếng nói riêng, tự lập trong suy nghĩ, không bị ép học thêm, ép bằng bạn bằng bè. Hơn hết, con không bị mẹ chụp bảng điểm hay giấy khen khoe lên mạng vào dịp cuối năm học, càng không chịu áp lực thành tích. Đôi khi tôi cũng lo sợ khi đi họp phụ huynh thấy con nhà người ta giỏi quá, con mình sau này có cạnh tranh được không? Nhưng thôi, cái này thời gian sẽ trả lời. Con tôi cứ bình thường, phát triển tự nhiên là vui rồi; tương lai chẳng ai biết trước được.

Có lẽ tư tưởng của tôi hơi khác những phụ huynh khác, hàng xóm vẫn đưa đón con đi học dù các cháu ấy sắp thi đại học. Con tôi hồi lớp một, tan học tự sang trường mầm non gần đó đón em năm tuổi và chơi cùng em, đợi mẹ tan làm đến đón cả hai.

Hân

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top