Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trao đổi và yêu cầu YouTube và Facebook có các giải pháp để gỡ bỏ thông tin sai phạm.

Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa thông báo phát hiện hàng loạt clip video có nội dung bôi xấu, xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc... trên YouTube, Facebook, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đáng chú ý, trước và trong khi các video này được phát, nhiều hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn, có thương hiệu ở Việt Nam cũng xuất hiện.

Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, các doanh nghiệp trong nước nếu muốn đăng quảng cáo trên các trang mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như YouTube thì phải thông qua trung gian là đại lý dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Các đại lý này sẽ ký hợp đồng quảng cáo với YouTube, lựa chọn các kênh, các clip có đối tượng khán giả phù hợp.

Cũng theo Cục, lý do các đoạn quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước xuất hiện trong các clip xấu độc có thể vì những clip này có nhiều lượt xem từ Việt Nam.

Kế đến là tình trạng xuất hiện các clip có nội dung xấu độc khi người sử dụng xem hoặc tìm kiếm các chương trình, nội dung khác trên YouTube. Theo đó, khi người dùng tìm kiếm và vào xem các video về một nội dung, chương trình cụ thể trên YouTube, giao diện của kênh này còn xuất hiện các video có nội dung sai trái để thu hút sự quan tâm của người sử dụng.

Ví dụ, khi tìm kiếm các chương trình ca nhạc, giải trí trên kênh Yeah1 hoặc chương trình tin tức trên kênh VOV giao thông còn xuất hiện một số clip có nội dung xấu, độc.

Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử lưu ý, YouTube có tính năng gợi ý (suggest) các video có nội dung tương tự nội dung người sử dụng đã xem hoặc tìm kiếm trong quá khứ, nhưng có thể dẫn người xem đến cả những nội dung hoàn toàn không liên quan.

YouTube triển khai tính năng này bằng thuật toán và nắm quyền chủ động sử dụng. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi đăng clip lên YouTube không thể can thiệp hay tùy chỉnh được nội dung gợi ý của tính năng, mà chỉ có thể lựa chọn “bật” hoặc “tắt” tính năng này trên Youtube của mình.

Theo cơ quan quản lý, đây là cách YouTube đang cho phép các clip có nội dung xấu, độc cung cấp đến đa số người dùng Việt Nam. Hoạt động này có ý đồ rõ ràng, vì chủ yếu các clip trên chỉ liên kết với các địa chỉ IP đến từ Việt Nam.

Thứ ba, theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, là tình trạng cấy đường dẫn (link) các trang xấu độc lên “bảng tin” (News Feed) cá nhân của người sử dụng Facebook tại Việt Nam.

Trong một số thời điểm, khi người sử dụng Facebook tại Việt Nam mở News Feed cá nhân để xem các status, thông tin chia sẻ từ bạn bè thì một số đường link kết nối đến các trang xấu độc, thậm chí phản động bỗng xuất hiện trên News Feed. Những đường link xấu độc này thường xuất hiện ở khu vực “được tài trợ” (sponsored) bên phải màn hình News Feed.

Cục cho biết, theo tìm hiểu, Facebook cho phép các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đăng quảng cáo ở khu vực “sponsored”. Do Facebook có đặc tính “hướng đối tượng” rất ưu việt nên các tổ chức, cá nhân có ý đồ xấu, các tổ chức phản động đã mua quảng cáo của Facebook để đăng những đường link dẫn đến các trang xấu độc hướng đến một nhóm người sử dụng. Các đường link này chỉ xuất hiện trên News Feed của người sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định tùy thuộc hợp đồng chạy quảng cáo trên Facebook của chủ thể.

Theo Cục, đây là một trong những cách lan truyền, tung tin xấu độc rất hiệu quả mà các đối tượng xấu, các thế lực thù địch đang sử dụng trên Facebook.

Trước tình trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang triển khai một loạt biện pháp để xử lý, như sẽ triệu tập các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm quảng cáo vi phạm để giải trình. Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã có công văn đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trao đổi và yêu cầu YouTube và Facebook có các giải pháp để gỡ bỏ thông tin sai phạm và khắc phục tình trạng nói trên.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top