Cục Quản lý Đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ) vừa ra quyết định kiểm tra, giám sát đối với Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cầu Rạch Miễu (Quốc lộ 60 thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre) do Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu quản lý và khai thác.
Theo đó, Cục Quản lý Đường bộ IV thành lập đoàn kiểm tra gồm 5 người do ông Nguyễn Đình Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV làm trưởng đoàn.
Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày12/3 đến ngày 22/3, tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra giám sát công tác thu phí và doanh thu đối với Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cầu Rạch Miễu, lập biên bản, kiến nghị xử lý theo quy định.
Bên cạnh tổ công tác của Cục Quản lý đường bộ IV, các cơ quan gồm Cục An ninh Kinh tế tổng hợp, Bộ Công an và Cục Thuế tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động thu phí tại đây.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu Quốc lộ 60 tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre theo hình thức hợp đồng BOT (giai đoạn 1) và giai đoạn 2 bổ sung đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến quốc lộ 6 nối lên cầu.
Giai đoạn 1 điểm đầu Km0+00 phía Tiền Giang nối vào Quốc lộ 60 tại cầu kênh 120; Điểm cuối: Km8+331,05 phía Bến Tre nối với Quốc lộ 60 tại Km8+331,05. Chiều dài 8,33 km. Khởi công tháng 4/2004 và bắt đầu đưa vào sử dụng, thu phí ngày 2/4/2009.
Tổng mức đầu tư toàn dự án 3.055 tỷ đồng, sau quyết toán giảm còn 2.939 tỷ đồng. Hiện giai đoạn 1 đã quyết toán tổng giá trị 1.187 tỷ đồng, còn giai đoạn 2 đang quá trình xây dựng.
Trong đó, giai đoạn 1 nguồn vốn tư nhân 350,41 tỷ đồng, vốn đầu tư nhà nước 711 tỷ đồng. Thời gian thu phí thu hồi vốn là 13 năm 5 tháng. Giai đoạn 2 dự kiến thời gian thu phí 14 năm 8 tháng.
Nhà đầu tư dự án này ban đầu là liên danh gồm: Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1), Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 (Cienco 6) và Công ty Cổ phần Đầu tư 577 (thành viên Cienco 5). Doanh nghiệp dự án là Cty BOT cầu Rạch Miễu với vốn điều lệ 460 tỷ đồng.
Năm 2014, cả 3 ông lớn Cienco của Bộ Giao thông Vận tải rút lui. Thế chân 3 doanh nghiệp này là Công ty Cổ phần Đầu tư cầu đường CII và Công ty Cổ phần Thương mại nước giải khát Khánh An. Trong đó, CII sở hữu 51% vốn còn Khánh An sở hữu 49%.
CII là cái tên hàng đầu trong lĩnh vực cầu đường ở Việt Nam với loạt dự án quy mô lớn như Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 2, BOT Ninh Thuận... Kể từ năm 2014 đến nay, CII liên tục thâu tóm cổ phần của Đầu tư 577, đẩy tỷ lệ sở hữu từ 2% lên đến 35,41% thời điểm giưã năm 2018.
Còn Công ty Cổ phần thương mại nước giải khát Khánh An được thành lập tháng 5/2010. Đây là một doanh nghiệp khá kín tiếng và chỉ được chú ý nhiều hơn sau khi bất ngờ trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty Cổ phần Công trình Giao thông 1.
Liên quan đến giai đoạn 2 của dự án, thời gian thi công từ 27/3/2017 đến 27/5/2019. Tuy nhiên, tại buổi làm việc giữa năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá, dự án chậm, có nguy cơ không hoàn thành theo hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông Vận tải.
Nguyên nhân do sự điều hành của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, sự giám sát của các đơn vị tư vấn giám sát ... có liên quan, các nhà thầu chưa quyết liệt thực hiện, chưa bám sát tiến độ, chưa có giải pháp căn cơ để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hợp đồng đã ký.
Bộ trưởng Thể nhấn mạnh không cho phép chậm tiến độ dự án này. "Chậm nhất đến ngày 12/5/2019 phải hoàn thành toàn bộ dự án để chuẩn bị cho công tác nghiệm thu, bàn giao và đưa vào khai thác, sử dụng", Bộ trưởng chỉ đạo rõ.
Post a Comment