Lộ trình cấm xe máy được Hà Nội thông qua trong đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030". Theo đó, giai đoạn 2017 - 2030 sẽ từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết, hiện đang nghiên cứu và dự kiến cấm xe máy thí điểm tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi - Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động. Các tuyến đường nói trên đều có vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu của người dân nên việc thí điểm là cần thiết.
"Việc thí điểm cấm xe máy ở những tuyến đường nào sẽ được nghiên cứu thấu đáo để khả thi, đảm bảo điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của người dân ở khu vực liên quan. Trong quá trình xây dựng đề án, thành phố sẽ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng", ông Viện khẳng định.
Việc cấm xe máy ở thời điểm này được nhiều người đánh giá là quá sớm khi mà giao thông công cộng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.
Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, giải pháp cấm xe máy ở thời điểm hiện tại là không khả thi, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho hàng triệu người.
Thứ nhất, hiện tại giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đi lại, còn đến 90% người dân sẽ di chuyển bằng gì nếu cấm xe máy?
Thứ hai, nếu nói chỉ cấm đường Nguyễn Trãi và đường Lê Văn Lương thì không đúng. Bởi giao thông liên thông với nhau, cấm tuyến đường này muốn đi sang đường khác dân phải di chuyển bằng gì? "Nói là cấm Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi nhưng thật ra là cấm rất nhiều tuyến đường. Bắt dân đi bằng buýt BRT hay đi bằng tàu điện, nhưng đến đường khác thì lấy phương tiện gì thay thế để đi? Hà Nội mà áp đặt thì chỉ càng làm giao thông thêm lộn xộn, gây ùn tắc cục bộ, thậm chí đẩy người dân đến cảnh phải đình công".
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ, Hà Nội chỉ cấm xe máy khi và chỉ khi phát triển hạ tầng giao thông công cộng đồng bộ, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, quy hoạch cơ sở hạ tầng thông thoáng, giãn dân nội đô…
"Như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hiện nay giá vé khá cao, 15.000 đồng/lượt thì ai đi? Tôi cho rằng chỉ nên 10.000 đồng /lượt là hợp lý, trước hết phải thu hút được người dân tham gia, sau đó mới nên tính toán có lãi", ông Thuỷ nói.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lương Xuân Đạt cho rằng, đường Nguyễn Trãi và đường Lê Văn Lương là hai trục đường chính chạy ngoại thành vào thành phố Hà Nội, áp lực giao thông rất lớn. Do đó, nếu cấm xe máy hai tuyến đường này thì phải giải bài toán phân luồng các phương tiện này đi ra đường nào, người dân hai bên đường sinh hoạt ra sao trong khi tuyến đường này rất dài?
"Bây giờ cấm đường này lại dẫn đến đường khác bị tắc thì cấm làm gì cho mất thì giờ? Hơn nữa, tuyến đường cấm xe máy phải có giao thông công cộng, điểm đỗ taxi, xe buýt ra sao? Có kết nối được với xe điện, đường sắt trên cao không? Hà Nội không thể nói cấm xe máy là cấm ngay được", Tiến sĩ Lương Xuân Đạt khẳng định.
Tiến sĩ Lương Xuân Đạt hiến kế Hà Nội nên cấm các đường ngang trước. Hà Nội cần phải có một bài toán tổng thể sau đó, sẽ cấm lần lượt từng tuyến một mới lan rộng ra, theo kiểu vết dầu loang.
Mặc dù vậy, theo ông Đạt, hiện không phải bất kỳ thành phố nào trên thế giới cũng cấm được hết xe máy.
Post a Comment