Đó là phát biểu của Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Thường vụ Quốc hội, sáng 8/5.
Báo cáo của Chính phủ bổ sung về kinh tế - xã hội và những tháng đầu năm 2019 khá lạc quan, song phát biểu của các vị uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy còn nhiều vấn đề chưa được thể hiện đúng mức trong báo cáo này.
Theo ông Giàu, mảng xã hội hiện nay nổi lên 5 vấn đề rất căng thẳng, nhưng trong báo cáo lại nhẹ nhàng, đều đều.
Đó là buôn bán, vận chuyển ma túy chưa bao giờ lên tới 1,1 tấn như vừa rồi, hồi xưa 1 cân, 2 cân đã là nhiều rồi. Vấn đề thứ hai là sử dụng chất kích thích, ma túy, rượu bia khi lái xe đang phát triển rất nhanh.
Vấn đề thứ ba rất là nhức nhối, đi tiếp xúc cử tri bà con nói rất nhiều đó là bạo lực học đường. Vấn đề thứ tư là tình hình an ninh trong bệnh viện. Vấn đề thứ năm là xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục.
5 vấn đề trên, Chủ nhiệm Giàu nhận xét, ngồi ở nhà cũng nghe nói, đi tiếp xúc cử tri cũng nói, ngồi chơi với bạn cũng nói nhưng báo cáo lại đều đều. Mỗi báo cáo đều ghi vài dòng về vấn đề đó nhưng không phải là trọng tâm.
Ông Giàu đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này nchuẩn bị ra nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, nói rõ là phải giảm ngay và giao chỉ tiêu giảm bao nhiêu phần trăm và có chế tài nghiêm khắc đối với những vi phạm trong các vấn đề nêu trên.
"Tôi tiếp xúc cử tri lần này về thì buồn nhiều hơn", ông Giàu bộc bạch.
Đồng tình với Chủ nhiệm Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng với mảng xã hội cần phải tập trung phân tích thêm và đặc biệt là phải có giải pháp.
Về ma tuý, bà Nga nhấn mạnh, chưa bao giờ các vụ ma túy lớn được phát hiện nhiều như hiện nay và đây chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm.
"Chúng ta chưa biết hiện nay còn bao nhiêu vụ chưa phát hiện được. Đây là một vấn đề rấ lớn ở trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi đề nghị Chính phủ phải có kiến nghị đối với Quốc hội và các giải pháp như thế nào đối với chống ma túy", bà Nga phát biểu.
Vẫn ở mảng xã hội, bà Nga cũng đồng tình là bạo lực học đường và xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em và xâm hại trẻ em trong nhà trường là nhóm vấn đề bức xúc nổi lên và dường như gần đây lại trầm trọng hơn.
Chủ nhiệm Nga cũng phản ánh, khi bàn về vấn đề này thì có một luồng ý kiến nói rằng lâu nay nó vẫn xảy ra nhiều nhưng do phương tiện thông tin đại chúng không đưa. Cũng có một loại ý kiến nói là không, hiện nay nó xảy ra nhiều hơn.
Vấn đề khác cũng chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng, ông Phan Thanh Bình là tác động của mạng xã hội đến văn hóa.
Hiện nay cứ bão trên mạng thì bắt đầu thành hiện tượng ngoài xã hội và chúng ta phải chạy theo xử lý. Trong khi đó thì những bão đó do những anh dư luận viên tạo bão để có thu nhập, có những anh thu nhập 400-500 triệu trên mạng, ông Bình nói tiếp.
Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cũng nhìn nhận rằng đã bắt đầu có tác động của không gian ảo đến cuộc sống thật của trong lĩnh vực văn hóa.
"Có một số anh sinh hoạt rất bậy bạ nhưng thu nhập của anh ta hàng trăm triệu do trên mạng trả. Những anh đó đang tạo ra những dư luận khác cho xã hội. Tôi nghĩ cũng phải đánh giá tác động mạng đối với văn hóa", ông Bình nêu quan điểm.
Nhận xét tổng quan về cả báo cáo của Chính phủ, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận xét, có những vấn đề ở phần ưu điểm nêu rất mạnh, nhưng phần khuyết điểm, hạn chế cũng lại nêu rất mạnh. Chẳng hạn như phần khen thì nêu là phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội, ở phần chê thì lại nêu là văn hóa, xã hội còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Hoặc phần tỷ lệ hộ nghèo ở trên thì nêu là đạt vượt mục tiêu của Quốc hội giao, nhưng ở dưới thì lại nói rằng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
Cách đánh giá này vẫn là cách đánh giá của thời gian trước. Những vấn đề nóng, bức xúc mà người dân đang quan tâm, ví dụ như tai nạn giao thông hay là vấn đề bạo lực học đường, hay là xâm hại trẻ em, nợ đọng bảo hiểm xã hội lại không thấy bóng dáng nhiều ở trong báo cáo này, bà Hải nhận xét.
Post a Comment