Căn bệnh "dàn trải", "phân tán", "lãng phí", "làm lâu, hỏng nhanh"… hay nói chung là không hiệu quả của đầu tư công, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có thể sẽ lặp lại trong nhiều năm nữa nếu những vấn đề căn cơ không được giải quyết.
Nói tại buổi toạ đàm đối thoại chính sách về sửa đổi Luật Đầu tư công do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây, ông Cung cho rằng Luật Đầu tư công hiện nay chưa giải quyết được vấn đề nâng cao hiệu quả đầu tư công và đầu tư nhà nước nếu chỉ chuyển từ Chính phủ quyết sang Quốc hội quyết hay ngược lại.
Bởi việc phân bổ nguồn lực chưa theo những nguyên tắc của thị trường, các dự án đầu tư chưa được lựa chọn dựa trên việc đánh giá mức độ hiệu quả kinh tế. "Chỉ khi làm được như vậy thì mới quy định được trình tự thẩm quyền, anh này được làm cái này, anh kia được làm cái kia, chứ chưa quy định được thì tình hình vẫn sẽ rất khó", ông Cung nói.
Quan điểm trên của ông Cung ở góc độ nào đó khá tương đồng với GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Đạt cho rằng để khắc phục những hạn chế của đầu tư công hiện nay, cần sửa Luật Đầu tư công hướng tới các nguyên tắc quản lý đầu tư công, cơ chế chính sách quản lý đầu tư công trong nền kinh tế thị trường. Từ đó, phân cấp quản lý trong đầu tư công dựa trên những quy định công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý đầu tư công, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội trong đầu tư công...
Theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân, cơ cấu vốn đầu tư công hiện vẫn chưa hợp lý. Tỷ trọng chi đầu tư (gồm tất cả các nguồn) trong tổng chi tiêu công cao nhất là 42% năm 2009 đã giảm còn 32,4% vào năm 2012 và chỉ đạt hơn 25% vào năm 2018.
Tốc độ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển giai đoạn 2012-2017 chỉ đạt 6% mỗi năm, thấp hơn nhiều tỷ lệ 17-18% mỗi năm (giai đoạn 2007-2011) và thấp hơn nhiều tốc độ tăng cho chi thường xuyên (đạt trung bình 14% giai đoạn 2012-2016).
"Tái cơ cấu đầu tư công qua việc giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội là cần thiết, song giảm mạnh và đột ngột khoản đầu tư này chưa hẳn đã tốt vì hiện chưa có nguồn lực thay thế ngay khoản đầu tư này. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là cải thiện chất lượng và hiệu quả đầu tư nói chung trong đó có đầu tư công chứ không phải chỉ là giảm về số lượng", ông Đạt nói.
Hơn nữa, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm trễ. Theo ước tính của Bộ Tài chính, ước tính đến 31/12/2018, vốn giải ngân đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đạt 67,6% dự toán (cùng kỳ 2017 cũng chỉ đạt 70,7% dự toán).
Trong khi đó, hệ thống thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công tồn tại nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để.
Vì vậy, để khắc phục những hạn chế này, Ban soạn thảo Dự Luật Đầu tư công sửa đổi đang trong quá trình tiếp thu, xin ý kiến rộng rãi để hoàn thiện luật. Bên cạnh 3 vấn đề đã đạt được sự đồng thuận là nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp khác của cơ quan nhà nước, không quy định kế hoạch đầu tư công 3 năm cuốn chiếu và quản lý dự án sử dụng nguồn vốn ODA; vẫn còn 9 vấn đề cần tiếp tục thảo luận để thống nhất trong đó có nội dung liên quan tới thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Theo quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Luật sửa đổi cần thống nhất quy định Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Trong khi đó, theo Chính phủ, đầu tư công phải gắn với phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, tăng cường hậu kiểm để khắc phục những bất cập trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Quốc hội chỉ quyết định một số nội dung về dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn theo những quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
"Theo đó, Hiến pháp 2013, Luật Đầu tư công 2014 và Luật Ngân sách nhà nước 2015 đều không quy định việc Quốc hội quyết định danh mục và mức bố trí vốn cho từng dự án. Do đó, nếu cho rằng quy định Quốc hội quyết định danh mục và mức bố trí vốn cho từng dự án mới phù hợp Hiến pháp là chưa hợp lý và không thuyết phục", Ban soạn thảo cho biết.
Post a Comment