"Chúng ta là nước có chủ quyền, luật lệ, lực lượng trong tay, do vậy không để kéo dài tình trạng bảo hộ ngược. Phải tiến tới việc bất kỳ doanh nghiệp nào đến Việt Nam làm ăn cũng phải tuân thủ luật pháp".

Nhấn mạnh quan điểm trên tại phát biểu kết thúc Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, chiều 9/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ ông rất trăn trở về vấn đề "bảo hộ ngược", khi mà các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ các quy định thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới chiếm 70% doanh thu quảng cáo trong không gian số (Google, Facebook...) lại không nộp thuế, không tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Bức xúc về bảo hộ ngược

Trong rất nhiều tham luận của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ tại diễn đàn đã bày tỏ bức xúc về tình trạng "bảo hộ ngược" hiện nay. Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group, cho rằng, Nhà nước nên tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tránh tình trạng bảo hộ ngược, khi các doanh nghiệp trong nước tuân thủ nghiêm túc còn doanh nghiệp nước ngoài thì không.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, trên thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay đang có sự góp mặt của các công ty outsource, các công ty công nghệ xuyên biên giới và doanh nghiệp công nghệ trong nước, nhưng các chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam lại… đang ở mức kém nhất.

Theo ông, ở Trung Quốc, doanh nghiệp sáng tạo công nghệ đang được hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế, ở Mỹ Amazon lợi nhuận hàng tỷ USD, đóng thuế 0 đồng. Trong khi đó ở Việt Nam, mức thuế mà những doanh nghiệp công nghệ như VCCorp phải đóng dao động từ 15-20% doanh thu, chứ không phải là 15-20% tính trên lợi nhuận như các nước. Bởi vì thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng rất cao.

"Chính sách của chúng ta là các mạng xã hội Việt Nam nếu thuê một người sản xuất video đăng tải lên thì sẽ vi phạm quy định làm báo tư nhân, trong khi YouTube thuê hẳn một công ty sản xuất video nội dung, Facebook đăng video clip cũng không làm sao. Cho nên rất nhiều công ty Việt muốn làm mà ko dám làm, dù có đủ năng lực về mặt công nghệ", vị này bức xúc. Ông cũng đề xuất quan điểm quản lý là coi ngành kinh tế nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm và đánh thuế là để phát triển chứ không phải đánh thuế để thu cật lực.

Đến từ Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, ông Nguyễn Xuân Thành, kể một thực trạng khi ông trao đổi với nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước, đó là chính sách ưu đãi thuế có thể đã ban hành, nhưng riêng việc họ đi xin cho đủ giấy tờ chứng minh mình thuộc diện được hưởng ưu đãi cũng rất mệt mỏi, tốn kém. Ngược lại, các chính sách ưu đãi thuế mà chúng ta đang dành cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI lại đang làm rất tốt, rất nhanh. "Điều này cho thấy, chúng ta cần phải ưu đãi thuế một cách thông minh hơn", ông Thành nói.

Vì thế, theo ông, Chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng chính sách thuế, chẳng hạn như ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho lực lượng nhân lực công nghệ, hay ưu đãi thuế cho các hoạt động R&D của doanh nghiệp…

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, các chính sách ưu tiên về thuế, thủ tục hành chính… cho công nghệ rất cởi mở bởi họ xác định đây là nền tảng phát triển kinh tế. Trong khi chúng ta vẫn thiếu chính sách nhằm thúc đẩy mạnh các công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, như sản xuất ô tô, xe máy điện hay các công nghệ có thể ứng dụng với mục đích nhân đạo.

"Để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao thì đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, nếu không có sự vào cuộc của Nhà nước sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp", bà Thủy nói và cho rằng, Chính phủ có thể chủ trì tổ chức mạnh hơn nữa các mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ, chú trọng đầu tư hơn nữa cho việc đào tạo các loại hình công nghệ mới trong các trường đại học, đầu tư vào nghiên cứu một số công nghệ lõi để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Gặp khó, "cứ tìm" tới Bộ Thông tin và Truyền thông

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong phát biểu kết luận, cho biết, từ nay, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ICT nếu có vấn đề với luật pháp, có thể lấy Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối, hoặc giả sử ngay cả khi việc này liên quan đến các bộ ngành khác, thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chịu trách nhiệm đi nói chuyện với họ.

"Chúng ta sẽ bảo trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bởi đó là thành phần chính trong cuộc cách mạng số và cách mạng công nghiệp 4.0', ông nói.

Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cũng đồng tình với đề xuất của doanh nghiệp về việc nên ưu tiên các doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhất. Theo ông, đề xuất này là đúng và Bộ sẽ nghiên cứu. Ông ví dụ như ngành vực nội dung số là lĩnh vực có thể phát triển được nhưng Việt Nam đang gặp vấn đề là tỷ lệ doanh thu quá thấp trong lĩnh vực viễn thông, chỉ bằng một phần ba hoặc một phần tư so với các nước trong khu vực. Con số này đáng lẽ phải đạt khoảng 4 tỷ USD nhưng đến nay mới được một tỷ USD.

Theo ông, có một vấn đề nằm ở chính sách ăn chia của các nhà mạng và công ty nội dung. Ở những nước nội dung số phát triển, tỷ lệ ăn chia thường là 30% doanh thu thuộc về nhà mạng và 70% thuộc về nhà cung cấp nội dung. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ này thường là 60% với các nhà mạng.

Một trong những vấn đề quan trọng của Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên này là phát triển những mô hình, sản phẩm công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, rất khó để có ngay một chính sách về vấn đề sandbox (kế hoạch thí điểm), do vậy đây là một vấn đề mới, các doanh nghiệp nên thử trước một vài lần.

"Ví dụ như taxi công nghệ cũng là một ví dụ cho việc thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam. Một năm, 2 năm thử vài mô hình thì các vấn đề sẽ lộ ra và việc tìm giải pháp để triển khai sandbox sẽ rõ ràng. Để thử nghiệm sản phẩm công nghệ mới, các doanh nghiệp nên đến những tỉnh thành nhỏ sẵn sàng chấp nhận cái mới hơn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top