"Ngày 3/5 lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo với cơ quan chức năng, Quốc hội đề nghị giữ lại 2 nội dung kiểm soát quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia".
Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết khi ông trả lời báo giới về những nội dung liên quan đến các chế tài quản lý và xử phạt đối với các vi phạm có liên quan đến rượu bia.
Ông Cường cho hay, quan điểm của Bộ Y tế được Chính phủ đồng tình là chúng ta cần quan tâm đến nội dung làm thế nào để kiểm soát được rượu bia. Theo đó, thay vì bỏ ra như trước đây, hai nội dung về quản lý quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia đã được đưa ra tại dự thảo cuối cùng.
"Nội dung này chúng tôi cũng đã báo cáo Chính phủ và ngày 22/4 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký văn bản. Ngày 3/5 lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo với cơ quan chức năng, Quốc hội đề nghị giữ lại hai nội dung kiểm soát quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia", ông Cường cho hay.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, vừa qua Quốc hội cũng đề nghị thay đổi tên từ Luật Phòng, chống tác hại rượu bia sang Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ cộng đồng.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng tên như vậy quá dài, đồng thời không chỉ sức khoẻ vì thực tế tác động rượu bia còn liên quan đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, nên không thể nói là chỉ mỗi sức khoẻ. Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị giữ lại tên như cũ theo quan điểm xuyên suốt của Bộ Y tế là Luật Phòng chống tác hại rượu bia.
Trao đổi thêm về vấn đề tăng mức xử phạt người vi phạm giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia gây hậu quả nặng nề thời gian qua đang có xu hướng tăng nhanh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay, hiện chúng ta đang có Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ và đường sắt.
Vừa rồi, có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, do đó Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải xem xét và sửa đổi lại Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt. Hiện nay, Bộ đang thực hiện nhiệm vụ này và sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 46 này trong tháng 6/2019.
Theo dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến với 3 phương án về khung giờ cấm bán sản phẩm này. Cụ thể, phương án 1 là chỉ được bán trong khung giờ 11-14h và 17-22h; phương án 2 là chỉ bán từ 6-22h hằng ngày. Khung giờ cấm này không áp dụng với tuyến phố kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án 3 theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định như trên sẽ tạo ra hiệu ứng phụ, khiến người uống bia càng uống nhiều hơn, cấp tập hơn.
"Một số nước có ban hành quy định này nhưng thực ra không có nhiều ý nghĩa. Cấm có thể sẽ hạn chế được sản phẩm đủ nhãn mác, nhưng lại không kiểm soát được thị trường không nhãn mác", ông Tuấn nói.
Đại diện VCCI cũng đề nghị cần xem lại tính khả thi, tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì bị thiệt, cơ sở nhỏ, lẻ không những trốn thuế, không thực hiện bất cứ hoạt động gì lại có lợi.
Post a Comment