Trong trường hợp nhà nước không thể cân đối nguồn lực để mua lại, một số dự án có thể tiếp tục thực hiện theo quy định hợp đồng đã ký kết, Bộ Giao thông Vận tải nói về một số dự án BOT có vướng mắc.
Rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông và sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư là yêu cầu được nêu tại nghị quyết của Quốc hội với ngành giao thông.
Gửi báo cáo kết quả thực hiện đến các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ này đã tiến hành rà soát toàn bộ các trạm thu phí để xử lý các bất cập, tồn tại.
Qua quá trình rà soát cũng cho thấy, các quy định của pháp luật về trạm thu phí trước đây có những bất cập nhất định. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung rà soát, kiến nghị các giải pháp xử lý bất cập tại các trạm BOT, trong đó đã phân làm 3 nhóm vấn đề tồn tại, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo để xử lý.
Gồm, nhóm các dự án đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được thu phí hoặc chỉ được thu phí một phần (đến nay chỉ còn vướng mắc tại các dự án: Cai Lậy, Thái Nguyên - Chợ Mới, tuyến tránh Thanh Hóa). Nhóm các dự án có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu (Bộ đang tổng hợp doanh thu tất cả các trạm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ) và nhóm các dự án tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự.
Giải pháp đề xuất đã được Thường trực Chính phủ họp đánh giá cao báo cáo kết quả rà soát, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao 3 phó thủ tướng chủ trì xử lý 3 nhóm dự án. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xử lý theo chỉ đạo, Bộ trưởng Thể thông tin.
Khẳng định của Bộ trưởng Thể là Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện một cách nghiêm túc việc rà soát, xử lý các bất cập các dự án BOT.
Tuy nhiên, có một số dự án do quy định pháp luật trước đây chưa phù hợp nếu để xử lý dứt điểm chỉ có phương án Nhà nước phải bố trí khoản ngân sách Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, trong khi nguồn lực hiện nay gần như không thể cân đối được.
Bên cạnh đó, các hợp đồng dự án trước đây được ký phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết, theo quy định điều 4, Bộ Luật dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005, trong trường hợp nhà nước không thể cân đối nguồn lực để mua lại, một số dự án có thể tiếp tục thực hiện theo quy định hợp đồng đã ký kết, Bộ trưởng giải thích.
Một yêu cầu khác của Quốc hội với ngành giao thông là kết nối hệ thống thông tin, dữ liệu về thu phí, từ năm 2019, thực hiện việc thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT giao thông, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này.
Kết quả được nêu tại báo cáo là Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT gồm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc).
Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam hỗ trợ các địa phương triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng trên các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Thời gian vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trực tiếp giám sát và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện giám sát (giám sát 10 ngày liên tục và 24/24 giờ đối với tất cả các khâu trong công tác thu phí) đối với 51/63 trạm thu phí của 47/59 dự án.
Đối với các trạm thu phí còn lại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lập kế hoạch giám sát trong năm 2019. Trong quá trình giám sát, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát hiện một số tồn tại trong quy trình thu phí, kịp thời yêu cầu các cơ quan quản lý liên quan có biện pháp khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, xử lý vi phạm góp phần nâng cao tính minh bạch trong công tác thu phí đường bộ. Phần này, báo cáo chỉ nêu chung chung như trên không có con số chứng minh cụ thể.
Post a Comment