Tại hội thảo khoa học quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán Nhà nước ngày 9/5, nhiều đại biểu bày tỏ: chính sách thuế hiện nay tương đối phức tạp, làm tăng chi phí khi thực hiện và ảnh hưởng tới xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Khai mạc hội thảo, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước nhận định, đến nay, việc thực thi pháp luật về thuế vẫn còn một số tồn tại, số tiền thuế thất thu còn lớn mà nguyên nhân chủ yếu là từ tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. Những hành vi này ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
"Kết quả kiểm toán cho thấy, mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương và các loại hình doanh nghiệp và các sắc thuế. Công tác thanh, kiểm tra thuế còn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp như: áp dụng không đúng thuế suất thuế giá trị gia tăng, kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thực hiện miễn giảm thuế sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng.
Ngoài ra, đã phát hiện một số bất cập, sai phạm về tuân thủ pháp luật thuế mang tính phổ biến, như một số đối tượng nộp thuế chưa tuân thủ đúng pháp luật trong kê khai, nộp thuế. Công tác điều hành, quản lý thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại một số địa phương chưa đảm bảo quy định của Nhà nước; nhiều đơn vị chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế từ hoạt động kinh doanh.
Chất lượng công tác thanh, kiểm tra còn vấn đề, còn bỏ sót một số sai phạm của doanh nghiệp trong kê khai doanh thu, chi phí, thuế giá trị gia tăng đầu vào, áp dụng không đúng thuế suất thuế giá trị gia tăng, kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng quy định; công tác hoàn thuế, xoá nợ và miễn giảm thuế sai quy định; xác định số nợ đọng thuế chưa đầy đủ.
Cũng qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã gửi hàng trăm kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý thu thuế đối với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhiều kiến nghị hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật thuế", ông Tiên cho biết.
Về điều này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI chia sẻ: từ hoạt động kiểm toán doanh nghiệp nhà nước nói chung, trong đó có hoạt động kiểm toán nghĩa vụ thuế, những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước với số tiền thuế truy thu từ các doanh nghiệp nhà nước nhà nước khá lớn. Năm 2015, số thuế phải nộp tăng thêm vào ngân sách nhà nước là 2.162 tỷ đồng; năm 2016 là 1.453 tỷ đồng; năm 2017 là 1.770 tỷ đồng.
Các sai phạm xuất hiện ở hầu hết các sắc thuế, trong đó tập trung ở thuế thu nhập doanh nghiệp (2015 là 1.276 tỷ đồng; 2016 là 838 tỷ đồng; 2017 là 497 tỷ đồng); thuế giá trị gia tăng (2015 là 242 tỷ đồng; 2016 là 87 tỷ đồng; 2017 là 84 tỷ đồng); thuế tiêu thụ đặc biệt (2015 là 926 tỷ đồng; 2017 là 441 tỷ đồng); thuế nhà đất (2015 là 75 tỷ đồng; 2016 là 12 tỷ đồng; 2017 là 266 tỷ đồng).
Cũng theo ông Tuấn, qua thực tế cho thấy, các văn bản, chính sách, pháp luật về thuế hiện còn nhiều bất cập, gây lúng túng cho doanh nghiệp trong áp dụng cũng như khó khăn đối với công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế. Các chính sách thuế hiện có điểm quy định chưa chặt chẽ, dẫn đến kẽ hở có thể lách luật, giảm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, phân tích: hiện tại, nước ta vẫn còn gần 300 thủ tục hành chính thuế là nguyên nhân chủ yếu khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Cụ thể, chỉ số "Kê khai sau thuế" của Việt Nam chỉ đạt 49,08/100 điểm, trong khi, chỉ số này của Thái Lan là 73,41/100 điểm, Singapore 71,97/100 điểm, Malaysia 52,65/100 điểm, Philippines 50/100 điểm). "Thời gian nộp thuế" của doanh nghiệp Việt Nam trung bình là 498 giờ/năm, cao hơn rất nhiều so với của Singapore (64 giờ/năm), Philippines (181 giờ/năm), Malaysia (188 giờ/năm), Indonesia (207 giờ/năm) (theo WB, Báo cáo DB 2019).
Bên cạnh đó, Chỉ số "Tổng thuế suất trên lợi nhuận" của Việt Nam cũng bị xếp hạng khá thấp (76/137) với tổng thuế suất trên lợi nhuận chiếm tới 39,45%, trong khi con số này của Singapore chỉ là 19,1% (xếp hạng 11/137), Indonesia là 30,6% (40/137) và Thái Lan là 32,6% (46/137)...
Hơn nữa, theo kết quả điều tra PCI của VCCI năm 2018, thuế còn là lĩnh vực có thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà đứng thứ hai trong số các lĩnh vực được khảo sát, chỉ đứng sau lĩnh vực đất đai.
Để góp phần giảm bớt những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, VCCI đề xuất: tiếp tục rà soát, loại bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế không thực sự cần thiết. Nâng cao chất lượng thông tin và tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính thuế. Tăng cường quan hệ đối tác doanh nghiệp - thuế, doanh nghiệp- hải quan, xây dựng cơ chế đối thoại các cấp trong cơ quan thuế nhằm giải quyết nhanh nhất vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính thuế... góp phần giúp giảm bớt các chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
Post a Comment