Lạm phát dự báo đạt mục tiêu dưới 4%, tuy nhiên rủi ro vẫn còn tiềm ẩn, bởi tác động của việc tăng giá điện, giá xăng, dầu, giá dịch vụ y tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh với ngành nông nghiệp... Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Mặc dù Chính phủ nhận định sức ép lạm phát 2019 không lớn, song phiên thảo luận sáng 8/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn ghi nhận không ít quan ngại từ sức ép tăng giá lên lạm phát.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện nay dư luận cử tri bức xúc nhất là tăng giá xăng, đặc biệt là tăng giá điện.

Dư luận lâu nay vẫn hoài nghi về tính minh bạch của quản lý điện và hoạt động của Tập đoàn Điện lực, chúng ta phải kiểm tra để giải đáp cho dư luận cử tri, bà Nga phát biểu.

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga thì trong vấn đề này cần phải trả lời vì sao giá điện tăng và trong cơ cấu của giá thành điện như vậy thì cái nào hợp lý, cái nào không hợp lý. Thứ hai là phương pháp tính giá điện bậc thang và biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đã hợp lý chưa.

"Cử tri cũng có ý kiến là biểu giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ bậc 1 đến bậc 6 chỉ phù hợp với những giai đoạn ngày xưa còn bây giờ làm gì còn nhà nào dùng từ 50 kwh trở xuống nữa. Một số người nói có một số hộ gia đình chỉ có hai ông bà già, chỉ lúc nào nóng mới bật quạt thì cũng không thể dùng ở mức 50kwh/1 tháng hoặc là loại 100 kwh trở xuống cũng rất khó", bà Nga phản ánh.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị giải trình thêm xem thông lệ quốc tế có phải là cứ dùng càng nhiều điện thì giá càng tăng không. Thứ hai là cạnh tranh trong các lĩnh vực trong thị trường hiện nay thì mảng hoạt động điện lực mặc dù độc quyền nhưng những yếu tố thị trường đã đá đảm bảo được chưa. Thứ ba là thời điểm tăng, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực cũng chọn vào thời điểm nóng nhất và người tiêu dùng dùng điện nhiều nhất, phải trả lời được câu hỏi này.

Chúng tôi chưa có đánh giá gì nhưng chúng tôi đề nghị cần phải kiểm tra để trả lời, để giải tỏa bức xúc của dư luận. Còn nếu tăng là cần thiết thì cũng phải có căn cứ, nếu cái gì chưa phù hợp thì có điều chỉnh, bà Nga nói.

Cũng quan tâm điều hành chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói, CPI hiện nay nếu so với cùng kỳ tăng 2,93% rồi và nếu so bình quân 4 tháng tăng 2,71% và nghị quyết Quốc hội là dưới 4%. Vậy rõ ràng hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao bởi vì giá xăng dầu thế giới vừa rồi tăng, vàng, USD mấy ngày gần đây tăng. Lương thực, thực phẩm xu thế chung của thế giới là cứ sau một số năm lại tạo ra mặt bằng mới.

Ông Định đề nghị phân tích kỹ hơn bối cảnh, vì báo cáo của Chính phủ lấy dự báo của thế giới tháng 2, bây giờ tháng 4 khác rồi. Hay thương mại Mỹ - Trung tháng 2 nói là đang chùng xuống và có thể tạm thời yên ắng, nhưng ngày hôm qua thì khác.

Theo Chủ nhiệm Định thì nên cập nhật thêm số liệu mới. Giá xăng trong nước tăng cao, giá điện tăng và theo Tổng cục Thống kê giá dịch vụ y tế hiện nay mới tiệm cận giá thị trường và còn 4 bước điều hành nhưng hiện nay mới thực hiện 2 bước, vẫn còn yêu cầu điều chỉnh trong năm nay theo hướng đưa cơ cấu tiền lương và chi phí quản lý vào cơ cấu giá dịch vụ y tế. 

Giá dịch vụ giáo dục, giá sách giáo khoa cũng đang kiến nghị điều chỉnh. Bước vào năm học mới thì hàng hóa giáo dục bao giờ cũng tăng. Yếu tố khác là tăng lương cơ sở từ mùng 1/7 sẽ tác động ảnh hưởng đến giá vào các tháng cuối năm.

"Vì vậy, tiềm ẩn CPI tăng là có, nếu CPI tăng là kinh tế vĩ mô bị tác động rồi ảnh hưởng đời sống sản xuất, đời sống nhân dân, cho nên đề nghị Chính phủ quan tâm phân tích kỹ ", ông Định phát biểu.

Nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là với lạm phát, rủi ro vẫn còn tiềm ẩn, bởi tác động của việc tăng giá điện, giá xăng, dầu, giá dịch vụ y tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh với ngành nông nghiệp,… Giá dầu dự báo khó tăng đột biến, do tổng cầu của thế giới tăng chậm, nhưng trường hợp giá dầu và nhiên liệu thế giới tiếp tục tăng thì áp lực lạm phát ở trong nước của chúng ta rất lớn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vẫn theo phân tích của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân thì xu hướng lạm phát cơ bản tăng đều, và từ tháng 7/2018 đến nay cầu nội địa đang tạo ra một sức ép rất lớn đối với lạm phát.

Trong khi đó, dư địa chính sách cũng không còn nhiều lắm. Dư địa giảm lãi suất thấp, ngân sách nhà nước vẫn thâm hụt, mà dư địa cho chính sách tài khóa cũng không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top