Sau 6 tháng triển khai dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số (MNP), tổng cộng đã có 424,455 thuê bao đăng ký chuyển mạng, chiếm 0,32% trên tổng số 133,3 triệu thuê bao đang phát sinh cước - số liệu được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai cung cấp dịch MNP, chiều 17/5.

Với số lượng thuê bao đăng ký chuyển mạng như trên, lãnh đạo Cục Viễn thông cho rằng điều này chưa thực sự gây ra ảnh hưởng, biến động lớn trên thị trường di động.

Theo số liệu của Cục, lượng thuê bao đăng ký có xu hướng tăng, đặc biệt sau thời điểm 1/1/2019 khi dịch vụ được triển khai cho cả thuê bao trả sau và trả trước đạt đến 81.461 lượt thuê bao đăng ký chuyển mạng chỉ trong tháng 1/2019. Riêng tháng 2 tỉ lệ không tăng so với tháng 1 do tháng 2 có 28 ngày và có khoảng thời gian nghỉ lễ dài.

Trong thời gian đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn và những phản ứng chưa tích cực từ xã hội với những lý do như: thời gian chuyển mạng kéo dài, nhiều thuê bao yêu cầu chuyển nhiều lần nhưng vẫn không được, điều kiện chuyển mạng chưa rõ ràng, quy trình nghiệp vụ còn nhiều điểm chưa hoàn thiện... đặc biệt là việc doanh nghiệp từ chối sai, gây khó dễ cho thuê bao đăng ký chuyển mạng.

Tuy vậy, Cục Viễn thông cho biết, đến nay, những vấn đề này đang được giải quyết quyết liệt, tỷ lệ chuyển mạng thành công tăng dần theo từng tuần, tháng. Trong đó, Viettel là nhà mạng thực hiện tốt công tác triển khai dịch vụ chuyển mạng, được thể hiện qua tỷ lệ thuê bao chuyển mạng đi thành công.

Các nhà mạng còn lại vẫn còn tồn tại những bất cập như lỗi hệ thống kỹ thuật, chăm sóc khách hàng không tốt (không cung cấp đầy đủ thông tin cho thuê bao đăng ký chuyển mạng; xử lý chậm trễ, gây khó dễ cho thuê bao chuyển đi...). Vì thế đã gây ra một số vấn đề như tạo ra hiệu ứng xấu đối với dư luận qua đó làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của dịch vụ MNP; gây ra tình trạng đối soát hàng tuần, hàng ngày làm tiêu tốn nhiều nguồn lực của các doanh nghiệp và Cục Viễn thông.

Theo thống kê, Viettel là doanh nghiệp duy trì được tỉ lệ chuyển đi cao nhất từ thời gian đầu chuyển mạng đến nay. Trong 4 tháng gần đây Viettel liên tục duy trì và đạt được tỉ lệ chuyển mạng thành công trên 80%.

Mạng VinaPhone hiện đang giảm tỷ lệ từ 78,21% (tháng 2/2019) xuống còn xấp xỉ 63% (tháng 3,4/2019); MobiFone đã tăng dần tỷ lệ từ xấp xỉ 24% (tháng 1/2019) lên xấp xỉ 70% (tháng 4/2019). Tuy nhiên, theo Cục Viễn thông, cả hai nhà mạng vẫn cần phải tiếp tục cải thiện tỷ lệ chuyển đi thành công để đạt được mục tiêu trên 70% theo chỉ đạo của Bộ trưởng.

Mạng Vietnamobile hiện đang là nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng đi thành công thấp nhất trong 4 mạng hiện đang cung cấp dịch vụ, tính đến hết tháng 4 tỷ lệ này mới đạt được xấp xỉ 48%. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu mà Vietnamobile từ chối cho thuê bao chuyển mạng đi là do thuê bao có cam kết số đẹp (DNO07).

Cục Viễn thông cũng cho biết đã nhận được rất nhiều thông tin phản ánh liên quan đến việc chuyển mạng, trong đó thuê bao chủ yếu bức xúc vì không được doanh nghiệp chuyển đi hỗ trợ khi thực hiện thủ tục chuyển mạng. Trong tháng 5, số lượng khiếu nại của các nhà mạng đã có xu hướng giảm, tỉ lệ hoàn thành xử lý khiếu nại đúng thời hạn tăng đáng kể (Viettel và MobiFone xử lý 100%, VinaPhone 99%, Vietnamobile đã đạt 76%).

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết, do đây là dịch vụ mới, động chạm ngay đến tính cạnh tranh, mặc dù ảnh hưởng chưa nhiều đến doanh thu, lợi nhuận của các nhà mạng nhưng đã có dấu hiệu thủ thuật, tiểu xảo để gây khó khăn cho việc chuyển mạng của khách hàng.

Ông chỉ đạo Cục Viễn thông thời gian tới nếu phát hiện thủ thuật, tiểu xảo, gây khó khăn cho khách hàng chuyển mạng giữ số, trước tiên cảnh báo nhà mạng, nếu tiếp diễn thì đưa lên thông tin đại chúng, còn nếu tiểu xảo quá mức thì cần báo cáo lãnh đạo Bộ.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top