Kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam trong thời gian qua ngày càng khó khăn. ARPU (doanh thu trung bình trên một thuê bao) không tăng, đồng tiền Việt trượt giá, doanh thu gia tăng rất thấp, lợi nhuận biên giảm, vì thế tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đang tiệm cận mức thua lỗ ngày càng nhiều.

Thực trạng trên của ngành truyền hình trả tiền được ông Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) nêu ra tại hội thảo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số" ngày 14/5.

Khi dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống ngày càng gặp nhiều khó khăn thì sự nổi lên của truyền hình OTT (truyền hình trên Internet) được xem như một hướng đi mới và được đánh giá là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng, sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, dịch vụ truyền hình OTT lại đang tồn tại sự cạnh tranh bất công bằng giữa các doanh nghiệp truyền thống và các truyền hình OTT xuyên biên giới vào Việt Nam.

Nhìn về cơ hội truyền hình OTT

Ông Konstantin Matthies (chuyên gia kinh tế của Alpha Beta - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường và tư vấn chiến lược kinh tế tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương) cho biết, một nghiên cứu về tác động kinh tế của dịch vụ video theo yêu cầu (VOD) mới đây cho thấy, các dịch vụ VOD dự báo sẽ được đầu tư lên đến 10,1 tỷ USD tại châu Á vào năm 2022 (tăng 3,7 lần so với mức chi trong năm 2017, mang lại tác động kinh tế gộp lớn gấp 3 lần giá trị đầu tư này).

Đây là ngành công nghiệp mới về nội dung tạo ra sự bùng nổ nhanh chóng dù là lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến chính sách. Vị chuyên gia kinh tế của Alpha Beta cho rằng, không chỉ tại châu Á nói chung mà cả Việt Nam, ngành này còn non trẻ và sẽ tăng trưởng rất nhanh, do vậy cần cách thức để xây dựng các chính sách phù hợp, cần thúc đẩy cơ hội kinh doanh trong mô hình chuyển đổi số này.

Theo ông Konstantin Matthies, tại thị trường Việt Nam VOD mang đến nhiều lợi ích, hỗ trợ trực tiếp cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, giúp Việt Nam hội nhập quốc tế, trở thành quốc gia nằm trong tốp đầu về phát triển điện ảnh ở Đông Nam Á (vào năm 2020) và ở châu Á (vào năm 2030).

"Việt Nam có thị trường 90 triệu dân. Điều quan trọng là làm sao nâng cao được số lượng và chất lượng và sự đa dạng nội dung, phân phối một cách tiết kiệm chi phí, giúp tiếp cận người tiêu dùng một cách nhanh chóng, người tiêu dùng tiếp cận bất cứ lúc nào, có thể tiếp cận một lượng lớn khán giả", ông Konstantin Matthies nhìn nhận.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam, cho rằng, công nghiệp nội dung số, gồm game và nhóm dịch vụ giải trí số (mà VOD là cấu phần quan trọng) có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Đồng, giữa dịch vụ số cung cấp qua hình thức OTT, (trong đó bao gồm VOD), có sự khác biệt căn bản với dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống, do đó yêu cầu và cách thức quản lý nhà nước đối với các nhóm OTT nên có sự khác biệt.

"Chính phủ nên xem xét và quản lý loại hình dịch vụ VOD nói riêng và OTT nói chung dưới một khung pháp lý mới, thay vì gộp chung với việc quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống như trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP (hiện đang trong quá trình hoàn thiện)", đại diện IPS nêu quan điểm.

Nhưng cần một sự công bằng

Theo một số đại diện đến từ Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước đang "bị" đối xử bất bình đẳng (trong những quy định về quản lý, cấp phép) với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) cho biết, thời gian qua, lĩnh vực nội dung số bao gồm VOD đã nổi lên nhiều vấn đề "nóng" như về bản quyền, thuế, cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp truyền hình trong nước và truyền hình OTT xuyên biên giới.

Ông Cường đơn cử như trong vấn đề quảng cáo. Khi các doanh nghiệp truyền hình Việt Nam thực hiện các hoạt động quảng cáo thì bắt buộc phải tuân thủ chính sách quảng cáo, nội dung quảng cáo phải phù hợp với chính sách cộng đồng (về cả quy định pháp luật và đạo đức), do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết các hợp đồng liên quan đến nguồn thu sẽ từ chối một số dịch vụ hay quảng cáo không phù hợp theo quy định.

Nhưng ngược lại trên môi trường Internet, môi trường số thì sự kiểm soát lại không chặt chẽ và dẫn đến một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình xuyên biên giới vẫn triển khai quảng cáo những dịch vụ và nội dung không phù hợp, điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam bị thua thiệt so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Vị Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ theo quy định pháp luật Việt Nam nhưng cũng nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ chính sách cộng đồng như chưa đóng thuế dẫn đến một bức tranh méo mó về ngành nội dung số tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lanh, Phó giám đốc VTC Digital, Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh buôn bán ở Việt Nam, nhưng truyền hình hiện có hiện tượng cung cấp xuyên biên giới nhưng chưa đảm bảo trách nhiệm về thuế cũng như các trách nhiệm khác. Do vậy, ông Lanh đề xuất, Nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước, cả nội dung số và dịch vụ truyền hình trả tiền, và có thể lấy dịch vụ game làm bài học.

Chính sự cạnh tranh bất bình đẳng như vậy (doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, quy định) nên nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền cho rằng họ bị "đẩy" vào nhiều khó khăn như hiện nay (ARPU không tăng, lợi nhuân biên giảm, doanh thu gia tăng thấp…) và do vậy theo ông Nguyễn Xuân Cường, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt Nam kiến nghị cần tạo ra sân chơi công bằng, cần có những quy định với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là truyền hình OTT xuyên biên giới như với doanh nghiệp Việt cũng là chính đáng.

Vị này cũng cho rằng, nếu Chính phủ thu được thuế chắc chắn sẽ dành nhiều tiền hơn để hỗ trợ, để tái đầu tư cho ngành phát triển nhiều hơn. Và khi Chính phủ quản lý được nguồn thu từ lĩnh vực này và muốn kích thích phát triển ngành truyền hình thì sẽ quyết định mức độ thu thuế, có thể áp dụng mức thuế phù hợp hoặc rất thấp để nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top