Với những khó khăn tồn tại ở từng dự án, trong thời gian tới cần xem xét, điều chỉnh cách tiếp cận để có thể xử lý được dứt điểm.
Đó là hướng được Chính phủ cho biết trong báo cáo về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Theo báo cáo thì còn không ít khó khăn, vướng mắc khi xử lý các dự án này, từ tranh chấp tại các hợp đồng EPC, vướng mắc trong quyết toán, đến huy động nguồn lực, thị trường tiêu thụ... Chính phủ cũng nêu các giải pháp tập trung xử lý cho từng dự án.
Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi có 2 vấn đề lớn cần phải giải quyết là: xử lý các vấn đề tranh chấp trong hợp đồng EPC, quyết toán hoàn thành dự án. Vấn đề thứ hai là cần có phương án ổn định về vùng nguyên liệu phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất ổn định và hiệu quả của nhà máy. Đây là một trong những điểm căn bản nhất cần xử lý đối với dự án này, báo cáo nêu rõ.
Và hướng xử lý vấn đề này là:xem xét, tập trung xử lý khâu quy hoạch vùng nguyên liệu, bảo đảm cho phương án sản xuất ổn định của nhà máy. Theo đó, xem xét tiến hành việc khảo sát, đánh giá và làm việc trực tiếp với ủy ban nhân dân một số tỉnh Tây Nguyên để phối hợp xác định quy hoạch vùng nguyên liệu sắn cho Nhà máy trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, cũng cần xem xét để thực hiện việc ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa nhà máy với người trồng sắn, đồng thời cần có giám sát, bảo lãnh của chính quyền địa phương đối với việc bảo đảm thực hiện hợp đồng này.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước: vấn đề hiện tại chủ yếu liên quan tới thị trường đầu ra và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh của nhà máy. Nếu thị trường thuận lợi thì về cơ bản dự án này sẽ có thể vận hành bình thường. Khi đó, có thể thực hiện được phương án đề ra là PVOil chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án.
Tuy nhiên, đối với dự án này phía PVOil chỉ có phần vốn góp 29%. Do vậy, hướng giải quyết đối với dự án này trong thời gian tới là: trao đổi, thống nhất với cổ đông việc xác định phương án quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất của Nhà máy. Theo đó, cách tiếp cận xử lý có thể tương tự như đối với Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi như nêu trên để có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho hoạt động sản xuất của Nhà máy. Đồng thời, PVOil cần xây dựng ngay phương án để thoái vốn khỏi Dự án.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ: trong thời gian qua, PVN đã chỉ đạo PVOil và các đơn vị có liên quan tìm kiếm nhà đầu tư để tiếp tục triển khai nhưng tới nay cho thấy việc này là khó khả thi. Do vậy, hướng sắp tới được đề xuất xem xét, thực hiện phương án: dừng triển khai dự án, phá sản Công ty. Hiện nay, PVOil đang đề xuất triển khai phương án tiến hành thủ tục phá sản đối với PVB theo quy định của Luật Phá sản. Tuy nhiên, đây là dự án mà PVOil không phải là cổ đông chính (chỉ chiếm 39,76%) nên không quyết định được toàn bộ các vấn đề và việc tiếp tục xử lý dự án sẽ phụ thuộc vào các cổ đông ngoài ngành (chiếm tới 60,24%).
Dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình: hiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề về xử lý tranh chấp hợp đồng EPC chưa xử lý được, do vậy chưa quyết toán được dự án. Khó khăn về dòng tiền nên chưa đáp ứng được chi phí để sửa chữa, bảo dưỡng và mua vật tư dự phòng dẫn đến hệ thống thiết bị còn nhiều sự cố phải dừng máy dài ngày để sửa chữa, giảm sản lượng sản xuất và cơ hội bán hàng; thiếu cán bộ công nhân lành nghề do điều kiện công ty khó khăn nên nhiều cán bộ công nhân đã chuyển công tác.
Tình trạng này kéo dài sẽ khó bảo đảm mục tiêu xử lý dứt điểm dự án, vận hành ổn định và có hiệu quả nhà máy rồi cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2020. Do vậy, việc xử lý sắp tới theo hướng tập trung xử lý dứt điểm vấn đề tranh chấp hợp đồng EPC để có thể quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ Dự án. Trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề vướng mắc, cần đưa ra bên thứ ba (cơ quan trọng tài) để phân xử, xác định trách nhiệm cụ thể của các bên.
Thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử nếu thấy có dấu hiệu vi phạm để để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm đối với phần tài sản bị thất thoát, thiệt hại do vi phạm gây ra.
Trên cơ sở kết luận của cơ quan trọng tài về tranh chấp hợp đồng EPC và trách nhiệm các bên trong hợp đồng EPC, kết luận của cơ quan điều tra xét xử về vi phạm và trách nhiệm về thiệt hại do vi phạm gây ra của tổ chức, cán nhân có liên quan trong dự án, để từ đó xác định lại giá trị tài sản Dự án và tiến hành việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi dự án.
Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng: Vấn đề chính hiện nay là tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường, tổ chức tốt hệ thống phân phối, khách hàng... Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu và có phương án để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như xử lý dứt điểm bãi thải gyps trong quá trình sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn lao động, an toàn môi trường trong quá trình sản xuất.
Đồng thời, Vinachem khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ đưa dự án này ra khỏi Danh sách các dự án kém hiệu quả thuộc ngành công thương để dự án được các ngân hàng áp dụng cơ chế tín dụng thông thường như đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh bình thường khác, hạn chế ảnh hưởng đến thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Dự án nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc: chủ yếu khó khăn về tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, tranh chấp hợp đồng EPC chưa giải quyết được do vậy chưa quyết toán hoàn thành dự án được.
Hướng xử lý trong thời gian tới cũng tương tự như cách xử lý ở dự án đạm Ninh Bình: Cần tập trung xử lý, làm rõ trách nhiệm, thiệt hại do các bên gây ra. Trên cơ sở đó, đánh giá lại Dự án và tiến hành phương án thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai cũng chưa quyết toán hoàn thành dự án, do vậy hướng xử lý trong thời gian tới cũng tương tự như cách xử lý ở dự án đạm Ninh Bình: Cần tập trung xử lý, làm rõ trách nhiệm, thiệt hại do các bên gây ra. Trên cơ sở đó, đánh giá lại Dự án và tiến hành phương án thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Dự án nhà máy sản xuất polyester Đình Vũ: hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy sau khi khởi động lại đã khá tích cực, đồng thời đã xử lý xong tranh chấp hợp đồng EPC. Do vậy, cần tập trung ổn định sản xuất, đồng thời kiến nghị điều chỉnh một số chính sách về thuế. Cơ quan công an xem xét, phân định rõ trách nhiệm giai đoạn đầu tư để tạo điều kiện cho cán bộ kế tiếp và đối tác yên tâm phục hồi Nhà máy.
Công ty DQS: Đến nay vẫn tiếp tục có các đơn hàng thi công đóng mới, sữa chữa cho một số các tàu hàng dịch vụ của các đơn vị trong ngành, tuy nhiên giá các đơn hàng này không lớn. Vướng mắc hiện nay là việc thực hiện quyết toán Hợp đồng EPC dự án xây dựng Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - giai đoạn 1 vẫn chưa đạt được thống nhất giữa SBIC (chủ thể của hợp đồng EPC) và PVN/DQS. SBIC là chủ thể của hợp đồng EPC có trách nhiệm quyết toán theo quy định; PVN/DQS tiếp tục phối hợp với SBIC trong quá trình thực hiện.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO): Hiện tại, khó khăn lớn nhất là chưa xử lý được tồn tại vướng mắc hợp đồng EPC với nhà thầu MCC, do vậy dự án vẫn đang xây dựng dở dang, tạm dừng thi công. Việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của VNSteel với Vietinbank vẫn chưa thực hiện được.
Hướng xử lý là tập trung triển khai thực hiện phương án thoái vốn nhà nước theo 2 trường hợp. Trường hợp giải quyết xong tranh chấp hợp đồng EPC của dự án và giải chấp được bảo lãnh của VNSteel cho TISCO tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam và trường hợp không giải quyết được hai vướng mắc này, báo cáo SCIC để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi Bộ Công Thuơng bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNSteel về SCIC.
Dự án nhà máy thép Việt Trung (Công ty VTM): Hiện tại chưa hoàn thành được dây chuyền cán thép 500 nghìn tấn/năm theo phương án ban đầu do khó khăn về huy động vốn và thị trường chưa thuận lợi.
Hướng xử lý là xem xét việc Công ty VTM chuyển đổi thành công ty cổ phần, kêu gọi thêm các nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dây chuyền cán thép và phát triển Công ty.
Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam: Phương án xử lý đã được xác định rõ (bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho dự án) và được các đơn vị triển khai thực hiện tích cực thời gian qua. Tuy nhiên, việc này gặp phải khó khăn do vướng mắc về cơ sở pháp lý trong điều chỉnh giá khởi điểm để tiếp tục bán đấu giá khi bán đấu giá lần đầu không thành công.
Hướng xử lý là sau khi Bộ Công Thương phê duyệt kết quả định giá, tập trung xây dựng phương án bán đấu giá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm và phương án bán để tổ chức bán dự án theo quy định.
Post a Comment