Đó là nhận định là của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khi đề cập đến các vấn đề cốt lõi trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.
Giải quyết đúng đắn quy luật giữa Nhà nước và thị trường
Trong khuôn khổ phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân chiều 2/5, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã chia sẻ về những kỳ vọng của ông đối với Diễn đàn lần này.
Theo đó, trên cương vị là đơn vị soạn thảo Nghị quyết 10, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là yêu cầu trong tiến trình xây dựng kinh tế. Đây được xem là phương thức quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động nguồn lực xã hội.
Nghị quyết này cũng là kết tinh tinh hoa, đúc kết kinh nghiệm từ trước và có tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của thế giới.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đề cập nhiều nội dung cốt lõi. Đầu tiên, đó là thống nhất trong nhận thức thì mới có hành động thống nhất. "Có nhận thức đầy đủ thấu đáo các quan điểm của Đảng thì mới đủ bản lĩnh quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, mọi mặc cảm để phát triển kinh tế tư nhân," ông Bình nói.
Theo ông, chỉ khi hiểu thấu đáo, xuyên suốt mới có bản lĩnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, tuyệt đối hóa kinh tế hóa tư nhân; khích lệ các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ bổ sung và thống nhất trong nền kinh tế thị trường.
"Có nhận thức thì mới xây dựng đội ngũ doanh nhân có ý chí tự lực tự cường, yêu nước, phát triển bản thân nhưng gắn chặt với lợi ích đất nước", ông Bình nhận định.
Thứ hai, theo ông Nguyễn Văn Bình là giải quyết đúng đắn quy luật giữa Nhà nước và thị trường.
Ông Bình dẫn chứng, trong lịch sử phát triển chủ nghĩa xã hội, tại nhiều nước, có khi tuyệt đối vai trò kinh tế Nhà nước nên có nhiều tiêu cực và dẫn đến thất bại. Đôi khi nhiều nước tư bản lại tuyệt đối vai trò của kinh tế tư nhân dẫn đến khủng hoảng nhiều năm.
Từ đó, họ phải thừa nhận vai trò Nhà nước trên quan điểm vỗ tay bằng hai bàn tay: Nhà nước và thị trường. Nhà nước có vai trò điều tiết, còn thị trường đóng vai trò chủ yếu trong giải phóng sức xã hội và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân
Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hoá về các chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân.
Nhờ cơ chế chính sách tạo ra, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển tích cực. Hết năm 2018, Việt Nam có 715.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Hiển nhận định vẫn có một số vấn đề cần giải quyết.
Thứ nhất là việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế trong tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ hai là những chi phí tuân thủ pháp luật thời gian qua chưa được giải quyết tốt. Thời gian làm thủ tục quản lý còn nhiều. Mục tiêu đặt ra đến 2020 phải có một triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động nhưng hiện tại mới đạt 715.000, đây là một thách thức.
"Điều đó đặt ra bài toán cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan đến thể chế, luật công chức viên chức, chế độ kinh tế, chính sách kinh tế, như luật đầu tư, luật sở hữu trí tuệ, luật đất đai.
Những luật này phải phá vỡ rào cản và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được với nguồn lực về đất đai, tài chính, yếu tố sản xuất... Ngoài ra, cần cố gắng để giảm những chi phí tuân thủ pháp luật như lệ phí kinh doanh, cùng với đó là những chi phí không chính thức gây khó khăn cho các doanh nghiệp", ông Hiển nói.
Đề cập đến một khía cạnh quan trọng không kém, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, người lao động nói chung và trong khu vực kinh tế tư nhân nói riêng là lực lượng quan trọng để tạo ra của cải.
Ông Cường khẳng định, cách mạng công nghiệp 4.0 và việc tham gia các hiệp định đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Để giải quyết vấn đề này, Tổng liên đoàn đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp.
Đầu tiên là tuyên truyền, phổ biến để người lao động nâng cao nhận thức để thấy rõ cơ hội, thách thức để tự tạo thời cơ cho mình trước yêu cầu của nền kinh tế.
Thứ hai, thực hiện nhiệm vụ cốt lõi là chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tập trung tham gia xây dựng chính sách và kiểm tra, giám sát các chính sách. Tổng liên đoàn cũng thực hiện nhiều chương trình nhằm đảm bảo vệ sinh lao động cũng như nhiệm vụ đại diện của tổ chức công đoàn.
Thứ ba là đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, tập trung xây dựng tổ chức lớn nhất, mạnh nhất, quan tâm, chăm lo cho người lao động, đồng thời tham gia xây dựng quan hệ hài hòa, tiến bộ tỏng doanh nghiệp để tăng năng suất lao động.
Thứ tư là tập trung xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, có tinh thần yêu nước, tác phong nhanh nhẹn, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Post a Comment