"Quốc gia nào cũng có biên giới, nhà mình cũng có giậu có rào. Không thể chúng tôi làm đường sẵn, anh vào đây bán hàng, thu tiền rồi nói không chịu kiểm duyệt, không đóng thuế, như thế là không được, không công bằng", ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), Tổng giám đốc Truyền hình cáp SCTV, nói gay gắt tại hội thảo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số" ngày 14/5.
Theo ông Úy, truyền hình trả tiền hiện chiếm khoảng 90% nội dung truyền hình và hiện truyền hình trả tiền và viễn thông đã tích hợp làm một. Đưa ra một quan điểm hoàn toàn đối lập với nhiều diễn giả tham gia hội thảo - rằng truyền hình OTT là một phương thức truyền hình mới và cần có một chính sách quản lý riêng, cởi mở hơn, khác với các quy định về quản lý dịch vụ truyền hình như Luật Báo chí, hoặc Nghị định 06 đang áp dụng - ông Úy cho rằng, truyền hình ở Việt Nam đã và đang truyền dẫn trên nhiều phương thức khác nhau như: vệ tinh, cáp, số mặt đất, IPTV và OTT.
Theo ông, truyền hình tại Việt Nam đã thâm nhập, nắm rất rõ và sâu sắc về các phương thức truyền dẫn OTT. Còn nội dung truyền hình vẫn là một nhưng các đơn vị truyền hình đã đóng gói nội dung truyền dẫn trên các giao thức khác nhau.
Thực tế, trên Internet (OTT) các đơn vị truyền hình trong nước đã phát triển nhiều ứng dụng OTT rất tốt như VTVGo, SCTV Online, Onme, HCTV Online…, nhiều đài truyền hình đều phát triển các App riêng, do đó phương thức OTT không có gì mới mẻ đối với các đài Việt Nam.
Việc quản lý nội dung do các nhà cung cấp dịch vụ nội dung nghe nhìn chuyên nghiệp trên Internet (gọi tắt là OCC) như Netflix, Hulu, Amazon, theo Chủ tịch VNPayTV, việc truyền dẫn nội dung trên các ứng dụng này giống như nội dung truyền hình. Bản thân như SCTV đã làm rất nhiều gói nội dung trên Internet để bán cho Amazon, Netflix, iflix… nhưng các gói nội dung này không phát ở Việt Nam mà phát cho đồng bào Việt kiều nước ngoài.
Một số diễn giả nêu quan điểm (nhằm bảo về cho truyền hinh OTT xuyên biên giới) rằng truyền hình OTT là phương thức khác với truyền hình truyền thống, tuy nhiên ông Trần Văn Úy lập luận điều này "chẳng có khác gì cả" vì nội dung phát trên OTT đều là các chương trình truyền hình, ca nhạc, văn hóa, phim, thể thao… được đóng gói rồi phát trên OTT bằng hình thức truyền qua Internet. Các doanh nghiệp truyền hình Việt Nam đã truyền dẫn nhiều phương thức khác nhau, trong đó có OTT.
Theo ông Úy, trên truyền hình truyền thống, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy cũng bị kiểm duyệt. Hay các đơn vị truyền hình trong nước khi đưa 1 video lên OTT cũng phải kiểm duyệt thì không lý do gì hạng nghìn, hàng vạn bộ phim của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam lại không phải kiểm duyệt, không phải nộp thuế, trong khi nội dung đầy sự nhạy cảm về văn hóa, thuần phong mỹ tục. Do vậy, để công bằng, khách quan và bình đẳng, nội dung trên truyền hình OTT cũng phải kiểm duyệt tương tự.
"Đừng thấy OTT là cái gì phức tạp, là cái gì xa vời với Việt Nam, các đài truyền hình Việt Nam đều đã làm và làm rất nhiều, rất chu đáo. Quốc gia nào cũng có biên giới. Ngay nhà mình cũng có giậu có rào. Chúng ta không nên cổ xúy cho bảo hộ ngược", ông Úy nhấn mạnh.
Truyền hình OTT xuyên biên giới trốn 3 loại thuế?
Sự bất cập trong lĩnh vực truyền hình OTT hiện nay cũng được vị lãnh đạo VNPayTV tỏ ra bức xúc. Cụ thể, ông Úy cho rằng, bản thân các doanh nghiệp truyền hình Việt Nam bán chương trình/nội dung (trên OTT) cũng phải đóng thuế, hay nhập khẩu một nội dung, mua bản quyền để phát sóng cũng đều phải đóng thuế.
Trong khi đó truyền hình OTT vào Việt Nam (như Netflix) bán dịch vụ với giá khoảng 220 nghìn/ thuê bao nhưng lại không đóng một đồng thuế. Các đơn vị này không đóng thuế nhà thầu, không nộp thuế nhập khẩu, ngoài ra lại còn cài sẵn quảng cáo từ bên ngoài rồi phát tại Việt Nam - như vậy là còn trốn cả thuế VAT tại Việt Nam.
"Họ cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, thu tiền ở Việt Nam nhưng lại đang lách luật và trốn 3 lần thuế", ông Trần Văn Úy gay gắt đồng thời cho rằng "không thể có chuyện chúng tôi làm đường sẵn, anh vào đây bán hàng, thu tiền rồi nói không chịu kiểm duyệt, không đóng thuế, như thế là không được, không công bằng".
Tóm lại theo ông, hiện Luật Báo chí, Luật Điện ảnh đã quy định rõ về những nội dung phải được kiểm duyệt. Còn việc quy định các đài truyền hình trả tiền phải phát sóng 70% nội dung trong nước là để thúc đẩy muốn nền công nghiệp điện ảnh nước nhà phát triển. Do vậy, khi các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam cũng phải đảm bảo thực hiện pháp luật giống như doanh nghiệp trong nước.
Post a Comment