Trong 8 tháng vừa qua đã phát hiện 11.382 vụ phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (giảm 2,16%), 217 vụ phạm tội tham nhũng (tăng 5,34%).
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.
Số liệu của báo cáo được tính từ 16/8/2018 đến 15/4/2019.
Theo báo cáo, trong thời gian này, lực lượng công an đã điều tra, khám phá 27.169 vụ phạm pháp hình sự, bắt, xử lý 55.285 đối tượng, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 76,63% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6,63%). Trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,91% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra).
Bộ Công an đánh giá, về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ. Kết quả cụ thể, triệt phá 1.552 băng, nhóm tội phạm các loại. Đã tập trung trấn áp mạnh các băng nhóm hoạt động liên quan đến "tín dụng đen" góp phần ngăn chặn, răn đe, làm giảm hoạt động phức tạp của tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" được dư luận đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Đã bắt, vận động ra đầu thú, thanh loại 3.278 đối tượng; trong đó, số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm bị bắt, vận động đầu thú, thanh loại là 717 đối tượng.
Trong đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, Thứ trưởng Vương cho biết, đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đánh trúng, đánh đúng, khám phá thành công nhiều chuyên án lớn, triệt phá được các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại… đặc biệt nghiêm trọng, bắt giữ đối tượng cầm đầu, thu giữ nhiều hàng hóa giá trị hàng tỷ đồng.
Bộ cũng kiểm tra, đôn đốc quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng tại các địa phương; chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, như: tài chính – ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; đầu tư công..., các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế chính sách để thông đồng tạo ra các nhóm lợi ích, lợi dụng sở hữu chéo hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo sân sau nhằm mục đích chiếm đoạt tiền, tài sản của Nhà nước.
Trong thời gian 8 tháng vừa qua đã phát hiện 11.382 vụ phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (giảm 2,16%); 217 vụ phạm tội tham nhũng (tăng 5,34%). Đáng chú ý, cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đạt được những kết quả rõ nét.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.
Điển hình như: vụ AVG; vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc))...
Bộ cũng đã tổ chức tổng kết công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, công tác kê biên, thu hồi tài sản bị thiệt hại có chuyển biến tích cực, một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng thu hồi tài sản đạt khá cao. Đáng chú ý, có vụ án thu hồi tài sản triệt để 100% (vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và buôn lậu qua biên giới của Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng Hồng Việt, Tp.HCM).
Thời gian tới, theo báo cáo, ngành công an đẩy mạnh thực hiện công tác phòng ngừa xã hội, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa nghiệp vụ. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, mục tiêu kiềm chế gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn.
Ngành công an cũng sẽ tập trung đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, nhất là liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, mua bán người; tội phạm kinh tế, tham nhũng; tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Post a Comment