Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa ký ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2019 tại các bộ, ngành và địa phương.
Theo đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, tình hình triển khai và kết quả thực hiện của bộ, ngành và địa phương.
Đồng thời kiểm tra việc thực hiện các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; việc triển khai, kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo.
Kế hoạch cũng đề cập đến kiểm tra việc triển khai và kết quả đạt được của các bộ, ngành và địa phương về tháo gỡ các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch....
Kiểm tra việc cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chi phí cho doanh nghiệp; tình hình giải quyết cải cách hành chính…
Ban chỉ đạo cũng sẽ tiến hành rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có; đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của bộ máy. Trong đó, trọng tâm là kiểm tra việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Kiểm tra tình hình triển khai đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; trách nhiệm và đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức với trọng tâm là việc tuyển dụng; quản lý cán bộ, công chức, viên chức, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Về công tác cải cách tài chính công, kiểm tra việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý đối với cơ quan nhà nước về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công.
Ngoài ra, kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được phê duyệt; việc triển khai gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Post a Comment