Đó là thông tin tại báo cáo vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi đến Quốc hội.

Quản lý chất lượng thuốc và giá thuốc, khắc phục việc chênh lệch giá bất hợp lý, bảo đảm thị trường thuốc được kiểm soát, ổn định, đáp ứng thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh của nhân dân là yêu cầu với ngành y tế, được nêu tại nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng Tiến khẳng định, nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm cũng như áp dụng những biện pháp cứng rắn và có hiệu quả, chất lượng thuốc của Việt Nam được duy trì và bảo đảm trong suốt nhiều năm qua. Theo kết quả khảo sát, tính trên số mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng, tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam chiếm khoảng 2% và có xu hướng giảm, từ năm 2013 đến 2018 lần lượt là: 2,54%, 2,38%, 2,00%, 1,98%, 1,59%và 1,32%; tỷ lệ thuốc giả khoảng dưới 0,1% từ năm 2012 đến nay.

Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước khác, Bộ trưởng so sánh và cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kết quả khảo sát được công bố tháng 11/2017 tại 88 nước với khoảng 50.000 mẫu lấy cho thấy khoảng 10% mẫu ở các nước có thu nhập kém và thu nhập thấp là thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Số lượng thuốc kém chất lượng phát hiện qua hoạt động tiền kiểm một số năm liên tục giảm, năm 2014 phát hiện 70 lô không đạt chất lượng, năm 2015 phát hiện 6 lô, năm 2016 chỉ phát hiện 2 lô, năm 2017 phát hiện 1 lô và năm 2018 phát hiện 3 lô, báo cáo thông tin thêm.

Liên quan đến công tác quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc, Bộ trưởng Tiến cho biết đã triển khai hiệu quả công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia trong năm 2017 và năm 2018 giúp giảm giá thuốc và tiếp tục sẽ tạo dư địa bù đắp cho việc tăng giá viện phí trong năm 2019 và năm 2020.

Báo cáo nêu, năm 2018, năm đầu tiên Bộ Y tế triển khai đàm phán giá đối với các thuốc biệt dược gốc Cerebrolysin, Tienam, Nexavar và Mabthera - đã tiết giảm được 551 tỷ đồng (giảm 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại) và các thuốc trên sẽ được cung ứng theo giá đã đàm phán tại các cơ sở y tế trong năm 2019 2020.

Đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân nội trú do nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập đã được quản lý thông qua đấu thầu. Việc đấu thầu thuốc trong thời gian qua đã bảo đảm công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý; nhờ đó đã tăng cường hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu và tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ Bảo hiểm y tế và người dân.

Theo thống kê kết quả trúng thầu của các sở y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với quy định cũ. Hiện nay, Bộ Y tế đang mở rộng tiến hành triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia năm 2018 thông qua việc ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018 do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện và danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018 do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện.

Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có 1-2 cơ sở sản xuất, thực hiện cơ chế quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc theo quy định Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Dược năm 2016. Năm 2018, Hội đồng đàm phán giá thuốc - Bộ Y tế triển khai đàm phán giá đối với 4 biệt dược gốc sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 và năm 2020 đã giảm 551 tỷ đồng (giảm 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại).

Đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân ngoại trú, nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 và nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 đã sửa đổi quy định thống nhất mức thặng số bán lẻ của nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện công lập (2%-15%) tùy theo giá trị thuốc mua vào tính theo đơn vị đóng gói nhỏ nhất và quản lý danh mục thuốc, giá mua vào tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập theo danh mục, giá trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và của các cơ sở y tế tuyến tỉnh trở lên.

Về thuốc lưu hành trên thị trường, Bộ trưởng Tiến cho biết,  hiện trên cả nước có khoảng trên 63 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc cạnh tranh mạnh mẽ theo cơ chế thị trường và phải thực hiện công khai minh bạch giá thuốc bằng hình thức kê khai, niêm yết giá tại nơi bán thuốc theo quy định tại Luật Dược. Hệ thống thanh tra y tế tổ chức các đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc và các cơ sở vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top