GS. Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, một đại biểu khá đặc biệt của các "Diễn đàn Kinh tế tư nhân", như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "Một đại biểu đã ngoài 90 mà vẫn rất nhiều nhiệt huyết, là một trong những biểu hiện cho sức sống và sức phát triển mãnh liệt của khu vực kinh tế tư nhân".

Trước thềm sự kiện "Diễn đàn Kinh tế tư nhân" do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào 2/5/2019, Thời báo Kinh tế Việt Nam xin được giới thiệu đôi lời chia sẻ của GS. Đào Nguyên Cát về sự nghiệp phát triển kinh tế tư nhân: Từ năm 1986, sau khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận song phải trải qua một quá trình rất đỗi thăng trầm mới chính thức được xác định tại văn kiện Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) là, "Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam".

Mặc dù kinh tế tư nhân được thừa nhận trong hơn 30 năm qua, nhưng, như đánh giá tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ban hành tháng 6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân), nhiều quy định của pháp luật về kinh tế tư nhân chưa được thực hiện nghiêm.

Môi trường đầu tư - kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao và thiếu tính minh bạch. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác; chi phí trung gian, không chính thức còn nhiều.

Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến... Kết quả là, doanh nghiệp tư nhân luôn trong tình trạng "không dám lớn". Phải tôn vinh hơn nữa kinh tế tư nhân, để họ đủ sức vứt bỏ "vòng kim cô" đang kìm kẹp mình trong hơn 3 thập kỷ qua.

Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII) đã thể hiện bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định chỗ đứng, vai trò của mình. Đảng đã thay đổi tư duy về vai trò khu vực kinh tế tư nhân.

Điều này đòi hỏi cán bộ, công chức hành xử đúng mực, đối xử công bằng với mọi thành phần kinh tế, xác định vị trí xứng đáng cho khu vực kinh tế tư nhân. Vì doanh nghiệp tư nhân có giàu mạnh thì người dân mới giàu mạnh, no ấm.

Thông điệp trên nên cụ thể hóa thành hành động của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc thiết kế, xây dựng, thực thi các chính sách, để làm sao đảm bảo được vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ không thể làm thay nhưng phải mang đến cho doanh nghiệp tư nhân sự công bằng thực chất.

Kinh tế tư nhân hiện đang phát triển dưới mức tiềm năng. Nguyên nhân là do nhận thức của xã hội về kinh tế tư nhân chưa đúng tầm, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Kéo theo đó là cơ chế, chính sách chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế tư nhân.

Khu vực kinh tế tư nhân ít được quan tâm, chính sách có khi bị xếp dưới tầng thấp nhất, đã có thời gian dài, chúng ta ưu tiên kinh tế nhà nước, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sau cùng mới đến kinh tế tư nhân.

Để hiện thực hóa văn kiện Đại hội của Đảng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi phải có sự đổi mới triệt để về nhiều mặt. Trước hết phải đổi mới hơn nữa về nhận thức của toàn xã hội đối với kinh tế tư nhân. Sau đó là phải dỡ bỏ cho được những lực cản từ sự bất cập về năng lực của bộ máy quản lý nhà nước.

Đối với doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải tự nỗ lực vươn lên, phải thực sự đầu tư vào bộ máy, con người, chú trọng vào thị trường, công nghệ, có liên kết giữa tư nhân với tư nhân, liên kết với các thành phần kinh tế khác thì mới có thể phát triển bền vững.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top