Đề án "Xây dựng Tp.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" được UBND Tp.HCM phê duyệt triển khai từ ngày 23/11/2017. Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án, Tp.HCM đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tại Hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 các trung tâm thuộc Đề án này do UBND Tp.HCM tổ chức vào sáng ngày 12/5/2019, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND Tp.HCM sớm cung cấp các địa chỉ của các trung tâm và các sở ngành cung dữ liệu để người dân có thể khai thác ngay.
Lắp đặt hơn 1.000 camera phủ khắp Tp.HCM
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, cho biết, hiện Tp.HCM đã hình thành 4 Trung tâm, được xem là trụ cột của Đề án gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm An toàn thông tin.
Hiện nay, Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố (giai đoạn 1) đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành. Một số cơ sở dữ liệu quan trọng đã tích hợp vào Kho dữ liệu dùng chung như cơ sở dữ liệu một cửa điện tử; khiếu nại tố cáo; đường dây nóng; đăng ký doanh nghiệp; đầu tư nước ngoài; người nộp thuế; lao động nước ngoài; cơ sở dữ liệu đất đai…
"Các dữ liệu đã được triển khai ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, bước đầu thực hiện trích xuất, khai thác Kho dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác điều hành của Thành phố. Ngoài ra, Thành phố đã triển khai thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn/, trước mắt thử nghiệm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y", ông Đức cho biết thêm.
Về Trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong giai đoạn 1, Thành phố đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông Vận tải và UBND các quận: Quận 1, Quận 12, Phú Nhuận, Gò Vấp.
Tổng số lượng camera đã tích hợp về Trung tâm điều hành hơn 1.000 camera, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự…
Ngoài ra, Trung tâm đã kết nối thông tin tổng hợp từ Hệ thông tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị; Hệ thống một cửa điện tử; Ứng dụng lắng nghe mạng xã hội.
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Cường - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, cũng đã trình diễn hệ thống camera đo đếm lưu lượng xe trên đường, phân tích hình ảnh, nhận diện khuôn mặt sẽ tự động xuất hiện ở trung tâm điều hành. Khu vực tụ tập đám đông thì hệ thống sẽ thông báo…
Về tích hợp dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong trường hợp có phản ánh thông tin hư hỏng thì người trực có thể dùng camera để xác thực vị trí, tình trạng… tổng đài 1022 tiếp nhận thông tin, người dân phản ánh vào hệ thống thì được tiếp nhận và điều phối, lãnh đạo thành phố có thể giám sát được quá trình xử lý. Hệ thống này dùng làm nền tảng tổng hợp hiện trạng giao thông, cổng 1022 giúp tương tác với người dân kịp thời với thời gian thực.
Bên cạnh đó, với hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115, người dân thành phố khi cần báo tin hoặc cần sự hỗ trợ khẩn cấp của các lực lượng chức năng đều được tiếp nhận thông tin và xử lý một cách nhanh chóng.
Về Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, hiện đã hoàn thành tập tài liệu tổng hợp về phương pháp luận, từ đó xây dựng cơ sở khoa học và thực nghiệm cho các hoạt động nghiên cứu, tham mưu về dự báo kinh tế - xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu từ số liệu do các cơ quan chức năng trong nước công bố và số liệu từ một số tổ chức quốc tế, theo đó thiết kế phiên bản thử nghiệm trình diễn dữ liệu và mô hình của một số chỉ số kinh tế - xã hội chủ yếu. Dự kiến Trung tâm (giai đoạn 1) chính thức vận hành vào đầu tháng 6/2019.
Với Trung tâm An toàn thông tin, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án thành lập Công ty Cổ phần Vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố. Trên cơ sở đề án được phê duyệt sẽ tổ chức thành lập công ty với phần vốn góp của nhà nước chiếm từ 51% trở lên vốn điều lệ, với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin.
Xây dựng đô thị thông minh để phục vụ người dân
Đánh giá cao các kết quả đạt được, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Đề án đô thị thông minh được xem là Chương trình đột phá thứ 8 của Thành phố, dù không có trong kế hoạch ban đầu. Qua hơn 1 năm triển khai, Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Một số dịch vụ đã phục vụ người dân; kết nối 1.000 camera, số hóa từng ngành nghề…
Bí thư Thành ủy Tp.HCM cũng đề nghị, Thành phố cần sớm cung cấp các địa chỉ trung tâm; các sở, ngành cung cấp các địa chỉ cung cấp thông tin, dữ liệu cho người dân biết và sử dụng. Ngoài ra, cần công bố chuẩn camera để nhân dân nắm bắt, đầu tư cho phù hợp với chuẩn chung; công bố lộ trình tích hợp camera, trong đó xác định khoảng vài trăm địa điểm Thành phố cần giám sát nhanh; sớm có phương án tích hợp với camera chuyên ngành.
"Đề nghị UBND Thành phố sớm cung cấp các địa chỉ của các trung tâm và các sở ngành cũng cung cấp dữ liệu để người dân có thể khai thác ngay. Làm sao để đến 23/11 năm nay, tròn 2 năm kể từ khi phê duyệt đề án, đô thị thông minh phải là hiện thực với người dân thành phố chứ không còn xa lạ nữa", Bí thư nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị, đến cuối tháng 10/2019, UBND Thành phố rà soát và sớm cập nhật vào danh mục cơ sở dữ liệu các nội dung: Kết luận của Thanh tra Thành phố từ 2016 đến nay (từ đầu nhiệm kỳ) giúp quản lý nhà nước và giám sát nhân dân; danh mục các dự án đầu tư đang hoạt động trên địa bàn Thành phố; quy trình, thủ tục giải quyết của các quận, huyện; dữ liệu các trường đại học, cao đẳng, phổ thông, mầm non; dữ liệu các cơ sở y tế; dữ liệu liên quan đất đai, địa chính; cơ sở dịch vụ (du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa)...
Đặc biệt là việc công bố công khai "chuẩn camera" đồng bộ, xác định những vị trí nhạy cảm, lên lộ trình gắn bổ sung camera có chức năng nhận diện khuôn mặt để cần là theo dõi, giám sát được ngay. Cạnh đó là phương án tích hợp camera các cơ quan chuyên ngành, hướng đến một thành phố an toàn.
Đồng thời, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Thành phố sớm vận hành trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế Tp.HCM trước tháng 10/2019. Các sở ban ngành cũng phải đưa ra các dự báo về các kịch bản, khả năng gia tăng/kéo giảm ùn tắc giao thông; dự báo về phát triển dân số; đẩy mạnh thực hiện mô phỏng dự báo về tình trạng ngập úng của thành phố…
"Bản chất của đô thị thông minh là quản lý trên cơ sở dự báo khoa học, chứ không quản lý theo kiểu "ăn xổi" hàng ngày, hàng tháng hoặc hàng năm", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Tp.HCM, chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đề án xây dựng Tp.HCM trở thành đô thị thông minh đúng tiến độ đề ra.
Theo ông Phong, qua hơn 1 năm triển khai, Tp.HCM đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai do đây là vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Ngoài ra, có một số nội dung triển khai chậm, sản phẩm chưa rõ ràng, chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu, khảo sát nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của đề án.
Đặc biệt, với tư cách là Trưởng ban Điều hành đề án, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự không hài lòng đối với một số cơ quan, đơn vị vẫn còn duy trì tình trạng "cát cứ dữ liệu".
Cụ thể, khi xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, một số sở ngành, tổng công ty nhà nước không hợp tác. "Kho dữ liệu dùng chung là để phục vụ sự phát triển chung của Thành phố, vậy thì giữ để làm gì? Tôi đề nghị làm rõ việc này. Cố tình làm khó cho ban điều hành đề án là không chấp nhận được. Yêu cầu việc này sớm chấm dứt và sẽ thực hiện các biện pháp mạnh nếu tình trạng này còn tiếp diễn", ông Phong nói.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cam kết sẽ tăng tốc thực hiện đề án, phát huy tiềm lực sáng tạo của người dân Thành phố để huy động mọi nguồn lực thực hiện đề án, xây dựng đô thị thông minh gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thể hiện sự đặc sắc của thành phố so với các đô thị thông minh trên thế giới. Cụ thể, từng đơn vị phải ký cam kết thời gian hoàn thành và phân công cụ thể người thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án.
Nhấn mạnh sự ủng hộ của người dân là yếu tố quan trọng để triển khai đề án được hiệu quả, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa của đề án và tham gia đề xuất các giải pháp, sáng kiến xây dựng Tp.HCM trở thành đô thị thông minh.
Post a Comment