Hàng loạt trạm phát sóng BTS tại nhiều địa phương của Công ty Cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn cầu (GTel Mobile – đơn vị sở hữu mạng di động Gmobile) đã không còn được bảo trì bảo dưỡng, bị tạm dừng hoạt động hoặc thậm chí mất an toàn và có nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào.
HÀNG LOẠT TRẠM BTS CỦA GMOBILE BỊ "BỎ RƠI"
Trong kiến nghị gửi lên Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Trà Vinh đề nghị Bộ chỉ đạo dứt điểm tình trạng cột ăng ten trạm BTS của Gtel Mobile đã lâu không được bảo trì, bảo dưỡng theo quy định, xuống cấp dẫn đến khả năng mất an toàn, nguy cơ ngã đổ rất cao.
Thực tế đã xảy ra một trường hợp gây mất an toàn cột ăng ten trạm BTS. Cụ thể, theo Sở Thông tin và Truyền thông Trà Vinh, tối ngày 2/8/2020, trên địa bàn ấp Sa Bình, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, đã xảy ra giông lốc và gây ra sự cố đứt dây co cột ăng ten (đứt 06 sợi dây co) trạm BTS của Gtel Mobile, sự cố đã làm cong, nghiêng cột ăng ten rất nhiều, nguy cơ gãy đỗ, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn cho công trình và an toàn đến tính mạng của người dân sinh sống xung quanh cột ăng ten trạm BTS của Gtel Mobile.
Tỉnh Trà Vinh đã phải chỉ đạo sơ tán dân xung quanh, huy động lực lượng chức năng chốt chặn, thuê lực lượng kỹ thuật tại chỗ ứng cứu ngay trong đêm đến 2h30 ngày 3/8/2020 nguy cơ tạm thời được khắc phục.
Trong khi đó, Sở Thông thông tin và Truyền thông Đắk Lắk thì đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn giải quyết, xử lý trạm BTS của Gtel Mobile tạm ngừng hoạt động có nhiều vấn đề phát sinh như: không thực hiện nghĩa vụ tài chính với hộ dân cho thuê, thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên rõ ràng, kiểm định chất lượng, sửa chữa, bảo dưỡng không thường xuyên, dẫn đến có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình ông và các hộ dân xung quanh.
Theo tỉnh này, nếu trong trường hợp Gtel Mobile đang tái cấu trúc, chưa giải quyết được về mặt tài chính thì công ty phải có trách nhiệm với người dân về việc duy trì, bảo đảm an toàn trạm BTS.
Tại Đà Nẵng, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông thành phố này cho biết đã phải xinh chủ trương UBND Thành phố để chủ động rà soát những trạm có nguy cơ và tháo dỡ 8 trạm BTS của Gtel Mobie để đảm bảo tính mạng cho người dân vào mùa mưa bão. Hiện trên địa bàn còn hơn 90 trạm BTS của Gtel Mobile, trong đó nhiều trạm đã hét hạn giấy phép kiểm định, không phát sóng, không đủ điều kiện.
Cũng tại Đà Nẵng, ngoài thực trạng cột ăng ten (trạm BTS) không được bảo trì, bảo dưỡng, có nguy cơ sụp đổ, Gtel Mobile còn bị người dân phản ánh nợ tiền thuê theo hợp đồng, tiền thuê đất (dựng trạm BTSS), trông coi tài sản nhưng chưa thanh toán, đồng thời yêu cầu công ty trả nợ những khoản tiền này cũng như hoàn trả lại mặt bằng cho người dân.
DẤU HỎI VỀ SỰ TỒN TẠI
Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong phản hồi kiến nghị của các Sở thông tin và Truyền thông, cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được một số phản ánh của các địa phương và của người dân về việc cột ăng ten của công ty Gtel Mobile lâu ngày không được sửa chữa, bảo dưỡng gây mất an toàn cho các hộ dân sinh sống xung quanh.
Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) đã có các văn bản (3490/CVT-HTKN ngày 20/8, 4697/CVT-HTKN ngày 27/10) và văn bản (4023/CVT-HTKN ngày 21/9/2020) gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công an (cơ quan chủ quản của Công ty Gtel Mobile) đề nghị chỉ đạo Gtel Mobile thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng và giải quyết phản ánh kiến nghị của của các địa phương và của người dân.
Bộ hiện đang phối hợp làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất các nội dung hướng dẫn các tỉnh/thành phố thực hiện việc xử lý các trạm BTS không đảm bảo an toàn của Gtel Mobile nói riêng và của các doanh nghiệp viễn thông nói chung trên toàn quốc.
Theo đó, đánh giá mức độ an toàn chịu lực và an toàn vận hành của công trình trong quá trình khai thác, sử dụng theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì xây dựng.
Tiến hành xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng theo quy định. Đối với các cột ăng ten có nguy cơ sụp đổ, sẽ ban hành các văn bản cưỡng chế, phá dỡ theo quy định.
"Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thiện và ban hành văn bản hướng dẫn gửi các cơ quan chức năng tại địa phương (Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông) để triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân", Cục Viễn thông cho biết.
Cũng liên quan đến mạng di động Gmobile, trong năm 2020, thuê bao của nhà mạng này tại một số địa phương còn phản ánh nhiều tháng liền bị mất sóng, không thể thực hiện được liên lạc, nhiều thuê bao dù đã cố gắng liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng nhưng không có ai nhấc máy, điện cho đại lý thì đại lý đã dừng hợp tác, tất cả bặt vô âm tín.
Sau đó, lãnh đạo nhà mạng này phản hồi tới báo giới là do nhà mạng thực hiện bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống kỹ thuật nên một số thuê bao của Gmobile bị mất sóng.
Trên góc độ truyền thông, từ nhiều năm nay, Gmobile đã không còn thực hiện bất cứ một hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới của nhà mạng, hình ảnh của Gmobile đã không còn hiện diện, thậm chí gần như "mất tích". Những dữ liệu trên đã đặt ra câu hỏi về sự tồn tại hiện nay của mạng Gmobile (!?)
Post a Comment