Thị trường lao động Việt Nam đã chứng kiến những xu hướng hồi phục khả quan trong quý 4/2020, nhưng các chỉ số về tỷ lệ tham gia thị trường lao động, số lượng và chất lượng việc làm vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch Covid-19.
Kết quả Điều tra lao động việc làm quý 4 và cả năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, năm 2020 tổng số 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên trên cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành dịch vụ, với hơn 70% người lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng.
TIẾP TỤC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP
Thực tế này đặt ra những thách thức không nhỏ để phục hồi thị trường lao động trong năm 2021. Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin (Tổng cục Thống kê) nhận định, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là biến thể mới của virus gây mức độ lây lan nhanh chóng như hiện nay, dự báo ảnh hưởng của dịch tới đời sống và sản xuất sẽ rất khó lường trong thời gian tới.
Các quốc gia đang phải đặt ra các biện pháp mạnh để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, trong khi đó nền kinh tế của Việt nam có độ mở lớn nên sẽ bị tác động rất nhiều.
Từ thực tế việc tiếp cận các gói hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua còn nhiều rào cản, bà Thủy cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ thuận tiện, kịp thời hơn, nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, theo bà Thủy cũng cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng như: lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, bà Thủy cho rằng, dịch Covid-19 vừa qua cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, tuy nhiên trở ngại là thị trường lao động Việt Nam vẫn có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, trong thời gian tới cần có chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thích ứng với việc làm mới khi tham gia thị trường lao động.
TẬP TRUNG VÀO THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
Bình luận từ kết quả điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê đến bức tranh thị trường lao động thời gian tới, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ, chắc chắn dịch Covid-19 vẫn sẽ có những biến đổi khó lường và tác động nhiều mặt đến tình hình kinh tế - xã hội.
Do đó, để ổn định và phát triển thị trường lao động, ông Trung nhấn mạnh thời gian tới cần tăng cường công tác dự báo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu cũng cần nhanh gọn hơn.
"Cần rà soát chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Một số ngành gặp khó khăn như du lịch, hàng không cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời để đơn vị này vượt qua khó khăn", ông Trung nhấn mạnh.
Nhận định về bức tranh thị trường lao động trong năm 2021, ông Trung cho rằng dù còn nhiều khó khăn song vẫn có những điểm sáng nhờ thu hút làn sóng đầu tư, trong bối cảnh dịch Covid-19 các doanh nghiệp đã tìm hướng sản xuất kinh doanh khác, hơn hết các biện pháp kiểm soát dịch đang phát huy hiệu quả. "Nhu cầu sản xuất, cung cấp hàng hóa nội địa sẽ tăng, xuất khẩu sẽ dần phục hồi", ông Trung dự báo.
Có chung nhận định, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nói rằng, theo dự báo từ quốc tế, nhiều quốc gia vẫn bị tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid- -19.
Do đó, mảng xuất khẩu của nước ta đến các thị trường sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, vì vậy cần chuyển dịch cơ cấu lao động, tận dụng những thành tựu kinh tế để kích cầu những ngành bị tác động trong nước, cũng như tập trung hướng vào thị trường tiêu dùng nội địa.
Post a Comment