Từ tháng 11/2016, khi Thủ tướng phát động đẩy mạnh chương trình cho vay nông nghiệp công nghệ cao đến ngày 31/10/2020 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chi hơn 26.000 tỷ đồng cho vay chương trình này, dư nợ đạt trên 5.000 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng, trong đó có gần 100 khách hàng doanh nghiệp và 3.900 khách hàng là cá nhân.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về cho vay nông nghiệp công nghệ cao, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Trong đó có chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, từ 70% đến 80% giá trị dự án, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh đối với hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1 - 1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp công nghệ, nông nghiệp sạch. Hiện nay, lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm - thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay…
Trong số các ngân hàng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao nổi lên có Agribank. Thời gian qua Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch. Khách hàng vay vốn theo chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Agribank còn được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống Agribank… Ngoài ra, Agribank đã cải tiến quy trình, rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn và nâng định mức cho vay cho khách hàng. Phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng như về hạn mức vốn vay, tài sản thế chấp...
Đáng chú ý, từ tháng 11/2016, khi Thủ tướng phát động đẩy mạnh chương trình cho vay nông nghiệp công nghệ cao, Agribank đã dành 50.000 tỷ đồng cho chương trình này. Tính đến ngày 31/10/2020, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 26.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 5.000 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng, trong đó có gần 100 khách hàng doanh nghiệp và 3.900 khách hàng là cá nhân.
Tuy vậy, Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, cho vay nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn gặp phải không ít khó khăn do còn nhiều bất cập về chính sách. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn chung chung, chưa quy định rõ cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên ngân hàng thương mại thiếu căn cứ để xác định cho vay...
Việc thiếu đất quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung cũng là một khó khăn rất lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn chậm, chưa tạo động lực thu hút các nhà đầu tư; thủ tục thuê, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp còn nhiều thủ tục gây phiền hà. Bân cạnh đó, vấn đề quan trọng nữa cản trở sự phát triển của nông nghiệp công nghệ là lĩnh vực nông nghiệp có rủi ro lớn, nhưng thị trường bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp tham gia còn hạn chế…
Trong thời gian tới Agribank kiến nghị các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như hoàn thiện các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Nhà nước cần ban hành quy định đối với việc thực hiện hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, trong đó nêu rõ chế tài đối với các bên tham gia nhằm hạn chế những rủi ro và đảm bảo sự bền vững trong liên kết của chuỗi giá trị nông sản; Đặc biệt là cần ban hành quy định về bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế những tổn thất, rủi ro. Có chính sách khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp; Tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản của các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi…
Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, các yếu tố đầu vào, trợ giá, có chính sách ưu tiên xây dựng các điểm phân phối hàng nông sản; Có chính sách khuyến khích việc ứng dụng công nghệ cao và có cơ chế tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách, các tổ chức tín dụng cũng phải được hưởng những ưu đãi như các đơn vị thụ hưởng…
Post a Comment