Dịch Covid-19 vẫn luôn là yếu tố chính khiến các thị trường chứng khoán biến động mạnh trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, sự sôi động của nhà đầu tư cá nhân và dòng vốn ETF vẫn được kỳ vọng sẽ tạo động lực, hỗ trợ thị trường sau các nhịp điều chỉnh.

ĐIỀU CHỈNH TRONG NGẮN HẠN

Khởi đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu ở mốc 1.103,87 điểm của VN-Index và đà tăng được đẩy mạnh bằng chuỗi phiên tăng trong 2 tuần giao dịch đầu tiên của tháng. Mốc cao nhất chỉ số chạm được vào ngày 15/1/2021 là 1.194,2 điểm.

Ngay sau đó, chỉ số này bắt đầu thoái lui theo các phiên biến động mạnh theo chiều hướng giảm và chốt tháng tại 1.056,61 điểm, mất 47,26 điểm (tương đương 4,28%) so với thời điểm cuối năm 2020; mức đáy chỉ số xác lập trong tháng là 1.023,94 điểm vào ngày 28/1.

Ngoài ra, chỉ số VN30 và chỉ số VNSmallcap cũng giảm tương ứng 2,1% và 2,3%; VNMidcap là chỉ số duy nhất duy trì tăng trưởng dương 1,1% trong tháng.

Triển vọng thị trường chứng khoán vẫn tích cực trong dài hạn - Ảnh 1.

Như vậy, tháng 1 là tháng điều chỉnh đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam sau chuỗi tăng liên tục từ tháng 8/2020.

Trong báo cáo mới đây, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, áp lực điều chỉnh là do tác động đồng thời của hai yếu tố. Thứ nhất, hoạt động quản trị rủi ro giảm dư nợ cho vay ký quỹ ở các công ty chứng khoán; đặc biệt diễn biến Covid trỗi dậy phức tạp trong cộng đồng.

Thứ hai, cung chốt lời gia tăng khi VN-Index đã tăng 81,2% từ đáy 2020 và tiến gần vùng đỉnh lịch sử 1.200 đưa định giá P/E của chỉ số lên 19,25 là mức khá cao.

Song, ngoài việc chỉ số bị điều chỉnh, các yếu tố thị trường khác vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, tổng giá trị giao dịch bình quân qua kênh khớp lệnh trên 3 sàn từ 13.067 tỷ đồng/phiên trong tháng 12, tiếp tục tăng đột biến 42% lên 18.555 tỷ đồng trong tháng đầu năm 2021 - đánh dấu 6 tháng tăng trưởng liên tiếp và đang ở đỉnh cao nhất lịch sử tính đến thời điểm hiện tại.

Thanh khoản liên tục thiết lập các kỷ lục mới nhờ tài trợ từ nguồn cho vay giao dịch ký quỹ khi tổng dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán cũng lên mức cao nhất từ trước đến nay, đã chạm mức 81.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2020, tăng 31% so với thời điểm cuối quý 3 và tăng 68,4% so với thời điểm cuối quý 1.

Đáng chú ý, tháng 1 là tháng có vốn vào mạnh nhất từ đầu năm 2020 đến nay nhờ dòng vốn ETF vẫn rất mạnh. Tính theo tuần, Việt Nam là thị trường cổ phiếu duy nhất tại khu vực Châu Á có vốn vào liên tục trong 4 tuần đầu năm. Dòng vốn chủ động ra vào đan xen và tính chung vẫn rút ròng khoảng 23,5 triệu USD trong tháng 1. Tuy nhiên, lượng vốn lớn đổ vào các quỹ ETF đã giúp thị trường Việt Nam vẫn hút ròng hơn 100 triệu USD trong tháng vừa qua.

Triển vọng thị trường chứng khoán vẫn tích cực trong dài hạn - Ảnh 2.

Thanh khoản và nguồn vốn đổ vào thị trường vẫn tốt.

SSI nhìn nhận thị trường Việt Nam đang tỏ ra khá hấp dẫn nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh, câu chuyện tăng trưởng kinh tế và là điểm đến của dịch chuyển sản xuất toàn cầu.

"Dù thông tin dịch bệnh là yếu tố chính khiến thị trường biến động giai đoạn này nhưng chúng tôi cho rằng dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với mức độ biến động của thị trường sẽ ngày càng cao", nhóm nghiên cứu tại SSI cho biết.

TRIỂN VỌNG DÀI HẠN CHƯA THAY ĐỔI

Theo dõi những phiên hồi phục vào đầu tháng 2 có thể dễ thấy, vùng 1.100 điểm đã quay lại chống đỡ khá tốt cho VN-Index trước lượng cung chốt lời đã mua ở vùng giá thấp, bên cạnh đó là vùng hỗ trợ mạnh quanh mốc tâm lý quan trọng 1.000 điểm.

Tuy nhiên trước diễn biến của chủng Covid mới gần đây, Công ty chứng khoán SSI cho rằng sự thận trọng là cần thiết khi tin tức dồn nén trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán có thể sẽ tác động tiêu cực lên thị trường sau đó.

Vì vậy, công ty chứng khoán này đã nêu 2 kịch bản hành động cho các nhà đầu tư. Trong đó, ở kịch bản 1, dịch Covid-19 chưa được kiểm soát và diễn biến phức tạp hơn so với đợt tháng 3 và tháng 7 năm 2020. Vùng 1.000 điểm vẫn sẽ là vùng hỗ trợ quan trọng của VN-Index, các vị thế mua mới sẽ an toàn ở vùng này.

Ở kịch bản 2, không có diễn biến phức tạp hơn trong kỳ nghỉ Tết, dịch Covid vẫn trong tầm kiểm soát. Vùng 1.100 điểm là vùng hỗ trợ gần nhất cho chỉ số, nhà đầu tư tận dụng các nhịp điều chỉnh ngắn để mở vị thế mua mới với mục tiêu gần nhất của chỉ số hướng đến vùng 1.175-1.200 điểm.

"Chúng tôi nghiêng về kịch bản 2 do các biện pháp hiệu quả và kinh nghiệm của Chính phủ ở 2 lần xử lý trước đây. Bên cạnh đó, thông tin về các nguồn vaccine sẽ được triển khai nhập khẩu về Việt Nam trong các quý tới cũng có thể là các thông tin hỗ trợ", SSI cho hay.

Triển vọng thị trường chứng khoán vẫn tích cực trong dài hạn - Ảnh 3.

Đáng chú ý, công ty chứng khoán này vẫn nhấn mạnh triển vọng dài hạn của thị trường chưa thay đổi. Đợt điều chỉnh vừa qua chủ yếu do tác động của các yếu tố kỹ thuật đã đưa hệ số P/E thị trường năm 2021 về mức 14,65 lần vào ngày 29/1 và tăng lên 15,16 lần vào ngày 05/2. Hệ số P/E mục tiêu cho VN-Index trong năm 2021 vẫn được duy trì ở mức 18 lần, tạo ra dư địa tăng trưởng 20,2% cho chỉ số nếu xét về mặt định giá.

Ngoài ra, diễn biến tích cực của dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam và số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng cao trong tháng 1 (86.755 tài khoản) là minh chứng cho câu chuyện triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt trội hơn trong khi định giá còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực là câu chuyện hấp dẫn nhà đầu tư trong dài hạn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top