2020 là năm đầu tiên trong lịch sử Tesla đạt lãi ròng cả năm. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này không đến từ việc sản xuất và bán ô tô điện - lĩnh vực chủ chốt của hãng.
Theo trang CNN Business, 11 tiểu bang của Mỹ yêu cầu các hãng sản xuất ô tô đến năm phải đạt một tỷ lệ nhất định trong doanh số là xe có mức phát thải bằng 0. Nếu không làm được việc đó, các hãng xe sẽ phải mua tín dụng carbon (carbon credit) từ những hãng đáp ứng vượt mức quy định đề ra, chẳng hạn như Tesla - công ty chỉ bán xe chạy điện.
KIẾM "ĐẬM" TỪ TÍN DỤNG CARBON
Điều này mở ra một mảng kinh doanh béo bở cho Tesla. Hãng đã thu về 3,3 tỷ USD từ bán tín dụng carbon trong 5 năm qua, trong đó mức thu của riêng năm 2020 đạt gần một nửa. Số tiền 1,6 tỷ USD mà Tesla có được nhờ bán tín dụng carbon trong năm ngoái vượt xa khoản lãi ròng 721 triệu USD, đồng nghĩa nếu không bán tín dụng carbon, hãng đã có thêm một năm thua lỗ.
Tesla "đang mất tiền từ việc bán xe. Nhưng họ lại đang kiếm được tiền từ bán tín dụng carbon. Và lợi thế này đang mất dần đi", nhà phân tích Gordon Johnson thuộc GLI Research, một trong những chuyên gia có cái nhìn bi quan nhất về cổ phiếu Tesla, phát biểu.
Các nhà điều hành cấp cao của Tesla cũng thừa nhận rằng công ty không thể dựa mãi vào nguồn lợi nhuận từ bán tín dụng phát thải.
"Đây luôn là một lĩnh vực rất khó để chúng tôi có thể đưa ra dự báo", Giám đốc tài chính của Tesla, ông Zachary Kirkhorn, phát biểu. "Trong dài hạn, việc bán tín dụng carbon sẽ không phải là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi, và chúng tôi sẽ không dựa vào đó để lên kế hoạch kinh doanh. Có thể trong một vài quý tới, mảng này còn mạnh, nhưng cũng có thể là không".
Báo cáo của Tesla cũng bao gồm những thước đo lợi nhuận khác, tương tự như cách làm của nhiều doanh nghiệp khác. Dựa trên những tiêu chí như vậy, lợi nhuận của Tesla đủ lớn để hãng không phải dựa vào việc bán tín dụng carbon để báo lãi.
Tesla báo lợi nhuận ròng điều chỉnh (adjusted net income) đạt 2,5 tỷ USD, sau khi trừ đi những khoản như 1,7 tỷ USD tiền trả thưởng theo tình hình giá cổ phiếu. Lợi nhuận gộp ở mảng ô tô - tính bằng tổng doanh thu từ việc bán xe trừ đi chi phí của việc sản xuất xe - đạt 5,4 tỷ USD, dù chưa tính đến tiền thu về từ bán tín dụng carbon. Ngoài ra, dòng tiền tự do của công ty đạt 2,8 tỷ USD, tăng 158% so với năm trước, một sự thay đổi ngoạn mục so với năm 2018 khi Tesla "đốt" tiền với tốc độ chóng mặt và luôn đối mặt nguy cơ "cháy túi".
Những người ủng hộ Tesla cho rằng những thước đo này cho thấy Tesla cuối cùng đã có lãi sau nhiều năm thu lỗ ròng rã. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho giá cổ phiếu Tesla tăng mạnh trong hơn 1 năm qua.
Theo nhà phân tích Gene Munster của Loup Ventures, đang diễn ra một cuộc tranh luận rất gay gắt giữa những người có quan điểm hoài nghi và những người ủng hộ Tesla quanh việc hãng này thực sự có lãi hay chưa.
"Họ lập luận về hai vấn đề hoàn toàn khác biệt, nên họ sẽ không bao giờ đi đến một kết luận nào cả", ông Munster nói. Vị chuyên gia cho rằng các nhà phê bình tập trung quá nhiều vào việc lợi nhuận ròng của Tesla ít hơn tiền bán tín dụng carbon.
Theo quan điểm của ông Munster, lợi nhuận gộp ở mảng ô tô của Tesla, không tính tiền bán tín dụng carbon, là thước đo chuẩn xác nhất cho thành công tài chính của công ty.
TƯƠNG LAI THUỘC VỀ Ô TÔ ĐIỆN
"Đó là một chỉ số hàng đầu" để đo lợi nhuận của Tesla, ông nói. "Khó có chuyện những hãng xe như General Motors (GM) hay Volkswagen có lãi ở mảng xe điện nếu tính trên cơ sở đó".
Năm 2020, giá cổ phiếu Tesla tăng 743%, đưa hãng này trở thành một trong những công ty đại chúng đắt giá nhất ở Mỹ và trên thế giới. Tuy nhiên, con số nửa triệu xe mà Tesla bán được trong 2020 chỉ bằng một phần nhỏ so với tổng cộng hơn 70 triệu ô tô được bán trên toàn cầu.
Giá trị vốn hóa thị trường của Tesla hiện ngang ngửa với tổng vốn hóa của 12 hãng xe lớn nhất chiếm hơn 90% doanh số ô tô toàn cầu.
Điều mà Tesla có trong khi các hãng xe khác không có là tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Mới đây, hãng dự báo đạt tăng trưởng doanh số 50% mỗi năm trong những năm tới, thậm chí kỳ vọng sẽ làm tốt hơn con số này trong năm 2021 cho dù các hãng xe khác trầy trật do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Toàn ngành công nghiệp ô tô thế giới đang dịch chuyển về phía động cơ điện, vừa để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải thắt chặt, vừa để thỏa mãn nhu cầu xe điện ngày càng gia tăng. Ngoài ra, việc sản xuất xe điện cũng đòi hỏi ít nhân công, ít phụ tùng và ít chi phí hơn so với xe chạy động cơ đốt trong truyền thống.
"Có một điều mà hầu hết mọi người đều đồng tình, đó là xe điện chính là tương lai", ông Munster nói. "Tôi cho đó là một dự báo an toàn".
Theo tờ Economist, ô tô điện hiện chiếm khoảng 3% tổng thị trường ô tô toàn cầu, nhưng có thể đạt mức 1/3 vào năm 2030 và tăng lên mức quá nửa trong 10 năm sau đó. Ngay cả khi Tesla không sản xuất được 20 triệu ô tô điện mỗi năm vào năm 2030 như hãng kỳ vọng, hãng vẫn có thể kiểm soát 25-30% thị trường xe điện toàn cầu.
Post a Comment