Khối lượng cổ phiếu có lãi bị tích lại quá nhiều nên gặp yếu tố bất lợi rất dễ xả ra. Điều trái ngược là hoạt động đầu cơ càng có lãi, mức độ chịu rủi ro lại càng thấp.

Nay nghỉ ngơi cho thanh thơi, không giao dịch. Thị trường diễn biến đúng là sốc, cứ như chơi khăm vậy. Tuần trước còn tưng bừng, không một ai nghĩ tới biến động lớn như hôm nay. VN30 biến động vượt xa các mốc dự kiến.

Dĩ nhiên câu hỏi lớn nhất lại là điều gì khiến thị trường đột ngột thay đổi như vậy? Vì là giảm mạnh nên đương nhiên những lý do tiêu cực sẽ được tìm thấy. Đó là tin covid mới, là vốn ngoại bán ròng, là "đạp trụ ăn hàng"... Thực tế là khi muốn tìm kiếm lý do nào thì sẽ tìm thấy lý do đó.

Thị trường xuất hiện lực bán lớn và hạ giá rất nhiều tức là số đông đảo ngược suy nghĩ. Khối lượng cổ phiếu bắt đáy có lời sẵn đã được tích lũy lại rất lớn. Các lý do xuất hiện chỉ là một cú hích thêm vào, thúc đẩy hành động dứt khoát hơn. Kể cả khi thị trường không đối diện với kỳ nghỉ dài hay tin covid thì cũng vẫn có khả năng xảy ra diễn biến điều chỉnh để kiểm tra lượng hàng tích lũy đó lỏng lẻo tới mức nào.

Một bài toán đơn giản là cổ phiếu đang có lãi sẵn trong tài khoản, hoặc là nắm giữ qua kỳ nghỉ với rủi ro xuất hiện thông tin hay sự kiện gì đó bất lợi, hoặc là thu lãi về rồi ra Tết tính tiếp. Kể cả khi thị trường tăng ngay sau Tết thì việc mua lại cao hơn một chút cũng không khác gì chi phí bảo hiểm cho rủi ro của việc nắm giữ. Một điểm thú vị của thị trường là đám đông thua lỗ lại có tính đoàn kết hơn nhiều so với đám đông có lãi. Người có lãi chính là những người luôn xách dép giữ chỗ ngay gần cửa để sẵn sàng nhảy tàu!

Quan niệm phổ biến là rất sợ bán đi rồi thì sẽ phải mua lại giá cao hơn nên thường cầm tiền sẽ cố "chim lợn" để thị trường giảm và mua lại rẻ hơn. Ngược lại cầm cổ thì cố tìm ra những thông tin ủng hộ giá tăng và lờ đi những thông tin có thể khiến giá giảm. Vì thế tin covid không có gì mới nhưng vẫn có thể được diễn giải ngược nhau. 

Nếu coi thị trường vẫn đang trong giai đoạn vận động xác định đáy tìm vùng cân bằng cung cầu thì hiện tượng tăng giảm lúc này không có gì đặc biệt. Tuần trước tăng sốc thì nhịp giảm mạnh hơn bình thường cũng không có gì lạ. Thị trường gần đây rất hay có kiểu kéo vượt T+3 để tạo cảm giác an toàn. Vì thanh khoản lúc này rất lớn, khối lượng cổ phiếu tích lũy cũng lớn nên dao động mạnh hơn. Thậm chí trong tình huống xấu, thị trường còn có thể retest đáy ngắn hạn. Các yếu tố kỹ thuật lẫn cơ bản hay bối cảnh thông tin lúc này hoàn toàn cho phép khả năng đó.

Thanh khoản phiên hôm nay rất cao, tương đương với giai đoạn đạt đỉnh tháng 1 và đạt tới điểm làm nghẽn hệ thống HSX. Tổng bán cao hơn tổng mua 20%, trung bình lệnh bán lớn hơn mua 74%. Như vậy bên bán chủ động với lệnh rất lớn. Sự chủ động của bên bán dồn thanh khoản vào buổi sáng (73% giá trị). Hệ thống nghẽn nên cũng có thể lệnh mua không vào được, nhưng ít nhất những thống kê có được thì thị trường hôm nay thuộc về bên bán.

Việc đánh giá các thông tin ảnh hưởng đến thị trường ở mức độ nào cần phải nhìn từ góc độ thị trường phản ứng, thay vì đánh giá chủ quan. Lần trước thực hiện cách ly xã hội thị trường tăng cực mạnh, tức là các dòng tiền lớn không cho rằng đó là điều xấu, dù số đông khi đó hoảng sợ và nghĩ là rất tiêu cực. Lần này dịch bệnh lại bùng phát, có giãn cách ở một số nơi, thì cũng nên chờ thị trường thể hiện quan điểm. Khác biệt lớn nhất là mặt bằng giá lúc này cao hơn nhiều so với thời điểm tháng 3/2020, vì vậy càng nên chờ phản ứng của nhóm cầm cổ.

Blog chứng khoán: Đội "canh me" nhảy tàu quá đông! - Ảnh 1.

Basis F1 lại chuyển sang âm hôm nay.

"Blog chứng khoán" mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top