Các quỹ đầu cơ đang đảo ngược chiến lược bằng cách đặt cược vào sự tăng giá (long) của dầu thô, cho rằng đại dịch Covid-19 và mối lo về môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng để khả năng tăng sản lượng khai thác của các công ty dầu khí.
Hãng tin Reuters cho biết, nhiều quỹ đầu cơ nói rằng sự hạn chế nguồn cung như vậy sẽ đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong nhiều năm và giữ ở vùng đó trong ít nhất 2 năm.
Quan điểm này là một sự đảo chiều 180 độ đối với nhiều quỹ đầu cơ, sau khi chiến lược bán khống (short) dầu mang về cho họ mức lợi nhuận 26,8% trong năm 2020 - theo dữ liệu từ eVestment. Trước khi thế giới phong tỏa ở nhiều nơi để chống Covid vào đầu năm, các quỹ đầu cơ tập trung bán khống dầu. Nhờ khả năng thay đổi chiến lược nhanh chóng, các quỹ này đã nắm bắt được xu hướng mới của giá dầu trong khoảng hơn 2 tháng trở lại đây.
Từ đầu tháng 11 đến nay, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đã tăng 59%, một phần nhờ vaccine ngừa Covid-19 thử nghiệm thành công và bắt đầu được đưa vào tiêm tại nhiều quốc gia. Giá dầu Brent hiện đang tiến gần mốc 60 USD/thùng, bằng với mức trước khi có đại dịch.
Trong cùng khoảng thời gian, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 54%, đạt khoảng 57 USD/thùng.
"Đến mùa hè, vaccine sẽ được triển khai rộng rãi rồi, vào đúng lúc hoạt động đi lại gia tăng. Tôi nghĩ lúc đó giá dầu có thể bùng nổ", ông David Tawil, nhà đồng sáng lập quỹ đầu cơ Maglan Capita, phát biểu. Ông dự báo giá dầu Brent sẽ lên mức 70-80 USD/thùng vào cuối năm nay, đồng thời cho biết quỹ đang đầu cơ giá lên cổ phiếu dầu khí.
Lạc quan của các quỹ đầu cơ về triển vọng giá dầu là một sự đối lập với cảnh báo mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra hồi tháng 1 năm nay. IEA nói rằng số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh có thể gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm 2021, và sự phục hồi kinh tế chậm chạp sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới phải đến năm 2025 mới có thể hồi phục hoàn toàn.
Thông thường, các công ty dầu lửa tăng sản lượng khi giá dầu tăng. Tuy nhiên, do các nhà đầu tư có mối quan tâm lớn đến môi trường đang có xu hướng dịch chuyển từ năng lượng hòa thạch sang các nguồn năng lượng tái sinh, cộng thêm sự cảnh báo của các nhà cho vay, các công ty dầu lửa khó phản ứng ở thời điểm hiện nay.
Tốc độ phục hồi sản lượng dầu của Mỹ, nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ chậm và sẽ phải đến năm 2023, sản lượng dầu của nước này mới có thể quay lại mức kỷ lục 12,25 triệu thùng/ngày thiết lập vào năm 2019. Trong năm ngoái, sản lượng dầu của Mỹ giảm 6,4%, còn 11,47 triệu thùng/ngày.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) thì dự kiến sẽ tiếp tục hạn chế sản lượng để khiến thị trường bị thiếu hụt nguồn cung cho tới hết năm nay.
"Chúng ta sẽ chứng kiến những mức giá khó tin của dầu trong 2 năm tới, sẽ rất nóng", ông Tawil nói.
Tháng 12/2020, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ toàn cầu giảm 8% so với tháng 2/2020, thời điểm trước khi Covid trở thành đại dịch toàn cầu - theo dữ liệu của Rystad Energy. Trong đó, sản lượng của khu vực Bắc Mỹ giảm 9,5%, của châu Âu giảm 1%. Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và các mỏ dầu cạn dần ở Mexico cũng khiến sản lượng của khu vực Mỹ Latin suy giảm.
Ông Jean-Louis Le Mee, Giám đốc quỹ đầu cơ Westbeck Capital Management, cho biết một số ngân hàng đang dự báo rằng Mỹ - quốc gia đang có số ca nhiễm Covid lớn nhất thế giới - sẽ đạt miễn dịch cộng động vào tháng 7. Quỹ này hiện đang theo đuổi chiến lược đầu cơ giá lên đối với cả dầu thô và cổ phiếu, ông Le Mee tiết lộ.
"Lần đầu tiên trong một thời gian dài, các công ty dầu lửa đang đứng trước khả năng có màn trở lại đầy ngoạn mục", ông nói. "Chúng ta đang có tất cả mọi thành phần cho một thị trường đầu cơ giá lên (bull market) dầu lửa trong vài năm tới đây".
Tại Mỹ, các quỹ đầu cơ đã tăng mạnh phân bổ vốn vào cổ phiếu các hãng dầu lửa như Exxon, ConocoPhillips, và Chevron trong quý 3/2020. Cùng với đó, hoạt động bán khống những cổ phiếu dầu lửa như BP, Royal Dutch Shell… giảm mạnh.
Post a Comment