Trên thế giới hiện đang có khoảng 4.000 biến chủng của virus gây Covid-19, khiến các nhà khoa học phải chạy đua với thời gian để cải tiến vaccine.
Thông tin trên được nhà chức trách Anh đưa ra vào ngày 4/2, trong bối cảnh nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm việc tiêm kết hợp hai loại vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer và AstraZeneca. Ngoài ra, hồ sơ xin cấp phép một vaccine Covid-19 nữa vừa được gửi lên cơ quan chức năng Mỹ.
Cùng với sự đột biến không ngừng của virus, hàng nghìn biến chủng mới đã được ghi nhận - tin từ Reuters cho hay. Trong đó, các biến chủng tìm thấy ở Anh, Nam Phi và Brazil là những loại có vẻ có tốc độ lây lan nhanh hơn cả.
Bộ trưởng phụ trách triển khai vaccine Covid-19 của Anh, ông Nadhim Zahawi, nói rằng nguy cơ những vaccine hiện có không chống lại được những biến chủng mới là rất thấp, đặc biệt là về nguy cơ mắc bệnh ở thể nặng và phải nhập viện điều trị.
Đó là bởi "tất cả các nhà sản xuất, từ Pfizer/BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca, cho tới những hãng dược khác đều đang tim cách cải thiện vaccine của mình để đảm bảo rằng vaccine sẵn sàng cho bất kỳ biến chủng nào", ông Zahawi nói, đồng thời cho biết thêm thế giới hiện đang phải đương đầu với khoảng 4.000 biến chủng Covid-19.
Theo Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), dù có hàng nghìn biến chủng xuất hiện khi virus đột biến trong quá trình nhân đôi, chỉ có một số rất ít biến chủng có khả năng trở thành quan trọng và thay đổi virus một cách đáng kể.
Virus SARS-CoV2, được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, đến nay đã cướp đi sinh mạng của 2,268 triệu người trên thế giới, theo số liệu từ Đại học Y Johns Hopkins.
Israel hiện là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 bình quân đầu người cao nhất thế giới, tiếp theo là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Anh, Bahrain, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Đức.
Nước Anh ngày 42 bắt đầu thử nghiệm đánh giá phản ứng miễn dịch được tạo ra khi vaccine của Pfizer và AstraZeneca được kết hợp trong chế độ tiêm gồm 2 mũi cách nhau từ 4-12 tuần. Dữ liệu ban đầu về cuộc thử nghiệm này dự kiến sẽ được đưa ra vào khoảng tháng 6.
Trong một diễn biến khác, hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) đã nộp hồ sơ lên Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covid-19 của hãng. Tuần trước, J&J công bố dữ liệu thử nghiệm cho thấy vaccine của hãng đạt hiệu quả khoảng 66% trong việc chống lại virus.
Nếu vaccine của J&J được phê chuẩn, đây sẽ là loại vaccine Covid-19 thứ ba được phê chuẩn để sử dụng khẩn cấp ở Mỹ, sau vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna.
Post a Comment