Tôi có công ty riêng, là thu nhập chính trong nhà. Vợ cũng có công việc riêng, làm trong ngành dịch vụ.

Ngoài ra em còn là quản trị viên của một trang fanpage có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội, trang ấy khá nổi tiếng; chỉ có tiếng thôi bởi để duy trì tiếng tăm em đã phải chi nhiều hơn so với số thu được.

Hai vợ chồng có một số tài sản cho thuê, hàng tháng cũng được trên dưới 80 triệu đồng, tôi nhường hết cho vợ dùng. Thuế thu nhập từ tài sản cho thuê đó, tôi móc tiền túi ra đóng cho em luôn, thỉnh thoảng còn chi thêm khi vợ yêu cầu.

Tôi chịu trách nhiệm chi cho các hoạt động trong gia đình như điện, nước, ăn uống, mua sắm, tiền cho đứa lớn học ở nước ngoài, riêng tiền học đứa nhỏ ở trường, học Anh văn, học năng khiếu đã lên đến gần 25 triệu một tháng. Ngoài ra tôi có đưa vợ một thẻ tín dụng VIP của mình, cứ khi nào thanh toán tiền triệu trở lên như đi ăn uống, mua sắm, spa là vợ dùng thẻ.

Tiền vợ làm ra thì vợ giữ. Khi vợ làm ăn thua lỗ, tôi móc hầu bao ra chi cho các khoản thua lỗ đó và tái đầu tư cho em. Khi việc kinh doanh của vợ thuận lợi, thậm chí ở vào giai đoạn hoàng kim, em cũng không bao giờ trả tôi bất kỳ khoản đầu tư nào. Việc kiếm tiền là nghĩa vụ của đàn ông từ bao đời nay mà, vợ có kiếm được thì cứ giữ mà xài, nghĩ như vậy để sống cho đơn giản.

Từ hơn 10 năm nay, vợ chồng tôi không hề hôn nhau, kể cả lúc gần gũi nhất. Mới đầu khi tôi định hôn vợ, em quay mặt đi né tránh. Tôi cố tình cạo râu nhẵn nhụi, tự kiểm tra hơi thở đảm bảo thơm tho rồi mới hôn, vậy mà lần nào cũng bị từ chối. Bực quá nên tôi quyết định cưỡng hôn luôn, em đón nhận một cách vô cùng gượng ép, hỏi thì bảo không thích. Nhiều lần như thế tôi chán quá, không hôn nữa, tặc lưỡi tự động viên rằng mỗi nhà mỗi cảnh, sống chung mà không hôn nhau có lẽ cũng không sao, thôi nhắm mắt cho qua.

Tôi không hút thuốc, không rượu, bia, không cờ bạc, không cả gái gú. Nhược điểm của bản thân là xấu trai, không giỏi nói chuyện và nóng tính; khi bực quá chỉ to tiếng thôi, không hề động tay chân với vợ. Tôi chỉ chuyên tâm lo việc kinh doanh của công ty, thời gian đi làm hết 11-12 tiếng mỗi ngày. Đến khi về nhà tôi lại phải bỏ ra 2-3 tiếng để kèm cho đứa nhỏ.

Đứa nhỏ thuộc dạng học sinh có năng khiếu nhưng rất ương bướng, cá biệt, thầy cô nào cũng phàn nàn, từ thầy cô trong trường chính khóa đến các thầy cô dạy thêm Anh văn. Tháng nào cũng có giáo viên điện thoại cho tôi để mắng vốn. Cả nhà chẳng ai kèm được nó, chỉ còn tôi, nếu tôi không kèm được thì ai kèm bây giờ? Thế là tối nào 2 cha con cũng đánh vật với nhau 2-3 tiếng, tôi phải dạy từng chút một, lấy lại từng kiến thức cơ bản. Sau 3 năm kèm cặp sát sao cũng có chút thành quả, con đã được nhận vào lớp đầu của trường cấp hai tiên tiến trong quận. Chưa hết, tôi còn kèm con làm việc nhà như rửa chén, lau nhà, làm bánh flan; mấy việc đó vợ chẳng chịu làm bao giờ vì không đủ kiên nhẫn để chỉ cho con từng chút một.

Với lịch trình mỗi ngày như thế, hầu như thời gian còn lại dành cho 2 vợ chồng rất ít; khi chỉ còn riêng chúng tôi thì lúc đó tôi đã khá mệt mỏi rồi. Thời gian sau này vợ chồng càng ngày càng xa cách, tôi thấy vậy nên mới lái xe đưa vợ đi chơi Vũng Tàu ngày chủ nhật, mỗi tháng vài lần, mục đích để vợ chồng có nhiều cơ hội nói chuyện với nhau. Vợ lại tận dụng khoảng thời gian này để nghỉ ngơi, ngủ li bì khi đi chơi cùng tôi, ngủ từ trên xe cho đến khi ra Vũng Tàu lấy phòng khách sạn xong lại ngủ tiếp, tôi thì đi tắm biển. Ngủ dậy vợ lại dành hết thời gian để chat trên điện thoại, rồi lấy lý do bị mệt. Vợ đã cấm vận, không cho tôi gần gũi hơn 2 năm nay.

Chúng tôi cũng có thời gian ở bên nhau nhưng chỉ giống như hai người bạn thân. Thậm chí khi cả gia đình đi du lịch đến Maldives, vợ cũng không hề tranh thủ chút nào, lấy lý do là có đứa nhỏ kè kè bên cạnh nên không có hứng thú. Thực tình mà nói, việc bị cấm vận lâu như vậy ảnh hưởng khá nhiều đến tâm sinh lý của tôi. Có những lúc ra đường nhìn người phụ nữ nào tôi cũng thấy đẹp cả. Vài lần tôi hỏi thẳng vợ là tại sao không muốn gần gũi, vợ trả lời nhấm nhẳng không thích, không có hứng thú. Tôi lại tặc lưỡi, nhắm mắt cho qua.

Mấy năm trước em lẳng lặng mở thêm một cơ sở dịch vụ ở Bình Dương không cho tôi biết. Mẹ vợ là người cúng khai trương cho cơ sở đó. Nghe nói thời gian đầu rất thành công, nổi tiếng nhất nhì Bình Dương; sau một thời gian không rõ vì lý do gì mà thua lỗ. Tôi chỉ biết chuyện sau khi vợ đóng cửa cơ sở đó. Họ hàng bên vợ đều biết em làm nhưng không cho tôi biết, vợ yêu cầu mọi người giấu tôi. Lúc đầu tôi giận lắm, hỏi tại sao vợ chồng lại giấu nhau? Em không trả lời nhưng tôi thấy em kinh doanh đã thua rồi, tinh thần xuống dốc nên không nỡ tra cứu, lại nhắm mắt cho qua tiếp.

Sau đó em đòi tham gia vào công ty tôi với lý do vợ chồng phải đồng cam cộng khổ, tôi đồng ý. Vào rồi, em không làm bất cứ việc gì cụ thể, hàng ngày đi vòng quanh quan sát, sau đó lại ngồi chat suốt trên máy tính hoặc điện thoại. Hôm nào thích thì em đi làm, chán là em không đi. Được một thời gian, tôi phát hiện ra em chỉ thích một nhóm nhân viên và thường xuyên tám chuyện với hội đó, đủ thứ chuyện bên lề, không liên quan đến việc công ty, trong đó có rất nhiều thông tin lệch lạc. Dần dần không biết vô tình hay cố ý em bị thao túng bởi những thông tin lệch lạc đó và đã có những hành vi gây ra ức chế cho những nhân viên khác.

Nhận thấy nội bộ mất đoàn kết, một số nhân viên bất mãn có ý định xin thôi việc, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty, tôi góp ý với vợ rằng tôi có thể nhường em nhiều việc nhưng việc công ty dứt khoát không nhường, bởi đây là nồi cơm của cả gia đình. Em vẫn không thay đổi, kết quả là tôi nhẹ nhàng đề nghị em đừng vào công ty nữa. Vợ bực lắm và tôi biết em ghim trong lòng sự tức giận về vụ việc này. Vài lần tôi định nhỏ to với vợ nhưng lần nào cũng sợ sau khi nói chuyện xong chẳng những không hiểu nhau mà vợ lại bắt đầu chiến tranh lạnh nữa. Nghĩ đến đó tôi ngán rồi, lại nhắm mắt cho qua tiếp.

Vợ biết mật khẩu điện thoại của tôi. Trong khi đó em dùng 3 chiếc điện thoại khác nhau và tôi không được biết mật khẩu nào. Tôi nhiều lần cố tình nhờ em dùng điện thoại để nhắn tin hay gọi điện cho người thân, hoặc thậm chí là lướt web; thế nhưng mỗi lần như thế em toàn dùng mật khẩu để mở. Sau này tôi còn phát hiện ra, em đã cài chức năng theo dõi vào điện thoại của tôi và gửi vị trí vào máy của em.

Năm ngoái, khi miền Trung hứng chịu thiên tai kép của bão và lũ, vợ chồng tôi có quyên góp để ủng hộ. Em còn lên mạng xã hội kêu gọi đóng góp và đã quyên được một số tiền kha khá, trên trăm triệu đồng. Ngay từ ngày đầu tiên khi em manh nha ý định kêu gọi đó, tôi đã phản đối kịch liệt. Lý do tôi đưa ra là công ty tôi cũng có chương trình hỗ trợ cho miền Trung với số tiền gấp gần chục lần so với số em quyên được. Như vậy chồng đã làm từ thiện thì cũng coi như gia đình đã làm, vợ đâu cần phải làm nữa. Hơn nữa công việc của vợ không phát sinh ra lợi nhuận, đang phải sống nhờ toàn bộ vào ngân sách của gia đình, không nên làm từ thiện, càng không nên làm từ thiện rình rang như thế.

Em phản đối và cho rằng chỉ huy động tiền đóng góp của bá tánh đi làm từ thiện, không hề lấy một đồng nào của gia đình cả. Tôi bảo nếu đúng như thế lại càng không nên làm, vì làm từ thiện mà không bỏ một xu nào của mình, thiên hạ biết chuyện sẽ bị mang tiếng là lừa đảo. Danh tiếng trên mạng xã hội rất phù du, rất ảo; để được cái tiếng mà phải lừa dối, sống không lương thiện, như vậy có nên làm không? Xét trên phạm trù đạo đức thì lừa dối ai cũng không thể chấp nhận được. Tôi tuyên bố nếu vợ vẫn giữ ý định đi làm từ thiện kiểu đó thì sẽ ly hôn.

Em ngẫm nghĩ, sau đó hoãn chuyến đi miền Trung lại 2 tuần, cuối cùng vẫn đi. Em rủ thêm em gái và một cô bạn, gọi thêm người bà con bên ngoại, thêm người cháu vợ làm tài xế, lấy xe nhà, lấy tiền bá tánh quyên góp để mua gạo, thực phẩm, quần áo, đồ dùng, cuốc, xẻng... đầy một xe tải, làm chuyến cứu trợ 7 ngày. Nguyên ê kíp đi cứu trợ mặc đồng phục bà ba, quấn khăn rằn chụp hình, quay phim, đang lên mạng xã hội vô cùng hoành tráng. Trong lúc em đi cứu trợ thì tôi ở nhà, sáng đi làm, tối về bận bịu với việc ôn tập cho đứa nhỏ kiểm tra giữa học kỳ.

Khi em về, tôi không cho qua nữa, quyết định ly thân, chuyển sang ngủ phòng khác, đến nay đã được vài tháng. Tôi muốn sống ly thân một thời gian để suy ngẫm thật kỹ càng trước khi quyết định ly hôn. Tôi có kể một phần câu chuyện nhờ mấy đứa bạn thân tư vấn, đâu có dám nói là chuyện của mình, chỉ nói là chuyện của đứa cháu. Nghe xong, bạn khuyên "thằng cháu" tôi nên chia tay ngay lập tức, cô vợ rõ ràng đã lừa dối chồng đến hai lần. Bạn còn lý giải: "Có thể cô vợ lừa chồng đến lần thứ ba hay lần thứ tư hoặc thậm chí là lần thứ n rồi mà chồng không hề hay biết. Nếu để người khác lừa mình một lần thì đó là lỗi của họ, nhưng nếu để họ lừa mình đến lần thứ hai thì đó là lỗi của mình. Lừa được lần thứ hai sẽ lừa tiếp nhiều lần sau đó. Ngựa quen đường cũ. Nếu thằng cháu không ly dị thì nó sẽ phải chấp nhận bị lừa cả đời". Người bạn khác thì cho rằng cả hai vợ chồng đều đang phải chịu đựng nhau, đơn giản vì văn hóa khác nhau, thế thì chia tay là điều tốt cho cả hai.

Tôi vẫn hy vọng trong thời gian ly thân, vợ sẽ suy nghĩ lại, nhận sai và xin lỗi. Tôi chắc chắn sẽ nhắm mắt bỏ qua lần nữa. Ngay cả mẹ cũng khuyên tôi rằng vợ chồng với nhau, cái gì bỏ qua được thì cứ bỏ qua, đôi khi phải mắt nhắm mắt mở thì mới sống chung cả đời được. Tôi không nghĩ mẹ lại nói vậy; ngày xưa khi lấy vợ, mẹ là người phản đối em về làm dâu. Tôi chắc vợ sẽ không suy nghĩ lại. Trong thời gian ly thân, tối nào tôi cũng lo kèm bài cho con, trong khi em thỉnh thoảng lại lên đồ đi chơi đêm rất vui vẻ. Theo các bạn, tôi có nên xuống nước để làm lành với vợ hay ly hôn luôn?

Quang

Độc giả gọi vào số09 6658 1270để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top