Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi lên tới 3,84 tỷ USD, tăng 3,75% so năm 2019.
Trong khi đó, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi trong năm 2020 đem về hơn 800 triệu USD, tăng 16,98% so với năm 2019. Như vậy, ngành thức ăn chăn nuôi vẫn trong tình trạng nhập siêu lớn, thâm hụt thương mại lên tới hơn 3 tỷ USD.
Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Năm 2008, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước đạt 8,5 triệu tấn thì đến năm 2020 đã đạt 20,5 triệu tấn; tổng công suất lắp đặt của các nhà máy tăng từ 12 triệu tấn (năm 2008) lên gần 40 triệu tấn (năm 2020). Việt Nam trở thành nước đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp, xếp trên cả Thái Lan (18,6 triệu tấn) và Indonesia (18,3 triệu tấn). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ cần khoảng 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 13 – 14%/năm nên có thể coi đây là thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng phát triển.
XUẤT KHẨU BẰNG 1/5 NHẬP KHẨU
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 800 triệu USD, tăng 16,98% so với năm 2019. Ba thị trường tiêu thụ thức ăn chăn nuôi lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Campuchia và Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang Trung Quốc đạt 211,23 triệu USD, chiếm 26,38% tổng kim ngạch, tăng 15,68% so với năm 2019; Campuchia đạt 122,32 triệu USD, tăng 23,15%; Mỹ đạt 114,5 triệu USD, tăng mạnh 125% so với năm 2019.
Với năng lực sản xuất đang tiếp tục được củng cố nhờ vào các dự án đầu tư mới và mở rộng của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là khối DN ngoại dẫn dắt thị trường, năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng phình to, sẽ sớm đưa mặt hàng này gia nhập nhóm các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam sẽ đạt hàng chục tỷ USD trước 2022.
Với dư địa phát triển được nhận định còn lớn, phân khúc sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang hút nhiều tên tuổi lớn trong khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư mở rộng, xây dựng thêm các nhà máy sản xuất để gia tăng sản lượng.
Tuy nhiên, nếu so mức xuất khẩu với mức nhập khẩu hàng năm của mặt hàng này, giá trị xuất khẩu hiện chỉ chiếm tỷ trọng gần 1/5 nhập khẩu. Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong tháng 12/2020 tiêu tốn 374,3 triệu USD, tăng 26,43% so với tháng 12/2019. Tính chung cả năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi đạt 3,84 tỷ USD, tăng 3,75% so với một năm trước đó. Các thị trường chính cung cấp thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam vẫn là Argentina, Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ.
Trong đó, Argentina trở thành thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu năm 2020 lên 1,53 tỷ USD, tăng 2,64% so với năm trước đó, chiếm tới 40% thị phần. Đây cũng là thị trường duy nhất đạt kim ngạch tỷ USD trong cả năm 2020. Đứng thứ hai là thị trường Mỹ với kim ngạch nhập khẩu của cả năm 2020 đạt 505,56 triệu USD, giảm 19,55% so với năm 2019, chiếm 13,16% thị phần tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của cả nước. Thứ ba là từ Brazil, với kim ngạch nhập khẩu cả năm 2020 đạt 391,67 triệu USD, tăng 83,34% so với năm 2019, chiếm 10,2% thị phần.
80% NGUYÊN LIỆU PHẢI NHẬP KHẨU
Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã có những bước tiến mạnh mẽ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, tuy nhiên nếu nhìn một cách tổng thể còn tồn tại nhiều bất cập. Điều này được thể hiện rất rõ trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp.
Mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân là do các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn như ngũ cốc, đậu tương, khô dầu các loại, phụ gia... hiện Việt Nam sản xuất không đủ hoặc do giá thành quá cao so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Trong khi mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 2,8 tỷ USD thì lại cần nhập tới trên 15 triệu tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, trị giá gần 3,8 tỷ USD, như vậy giá trị nhập siêu riêng lĩnh vực lương thực đã lên tới khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.
Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, ngành sản xuất thức ăn luôn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, dẫn tới tình trạng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương khi có sự cố xảy ra. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng thêm bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa ổn định khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề khi vừa thiếu nguyên liệu sản xuất, vừa khó tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cũng giống như nhiều ngành sản xuất lớn trong nước, có thể nói hiện nay các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất. Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành vận tải biển và đường bộ gặp khó khăn do khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, thậm chí nhiều nước đã tạm dừng hoạt động dẫn tới tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng. Hệ lụy là có nhiều thời điểm, một số doanh nghiệp giảm sâu sản lượng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Một số doanh nghiệp lớn như: Công ty C.P Việt Nam, Cargill, GreenFeed... thông thường luôn hoạt động đến 80% công suất thì có những tháng khi dịch Covid bùng phát mạnh, các doanh nghiệp này chỉ hoạt động khoảng 30 – 40% công suất.
Ngoài việc khó khăn về nhập khẩu, giá nguyên liệu tăng lên khá mạnh khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng phải tăng giá thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, mặt hàng ngô tăng đột biến từ 5.600 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương tăng từ 9.000 đồng/kg lên 10.200 đồng/kg, thậm chí một số phụ gia như lysine, axít amin thậm chí tăng giá gấp đôi... chính vì vậy đã kéo giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam tăng từ 200 – 1.000 đồng/kg. Đây là một trong những nguyên nhân khó giảm giá thịt lợn tại Việt Nam hiện nay dẫn tới tăng chỉ số lạm phát trong những tháng gần đây.
Một bất cập khác, trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp nội luôn yếu thế trước doanh nghiệp ngoại. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Mặc dù có số lượng nhà máy chiếm áp đảo, trong đó có một số doanh nghiệp quy mô lớn như: Dabaco, Masan, GreenFeed, Vina, Lái Thiêu... nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 35% thị phần cung cấp thức ăn chăn nuôi, 65% thị phần còn lại do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ.
Với tiềm năng của thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp lớn trong nước như: Masan, Hòa Phát, Hùng Vương, Vingroup đã bắt đầu có những đầu tư lớn vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi với mong muốn "lội ngược dòng", giành lại thị phần từ tay các doanh nghiệp ngoại. Cụ thể, Masan đã mua lại Proconco, Anco vươn lên vị trí cung ứng thức chăn nuôi lớn thứ 2 trên cả nước. Tập đoàn Hòa Phát cũng đã xây dựng và đi vào hoạt động nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Long Khánh với công suất 200 ngàn tấn/năm. Các tập đoàn này đang liên kết tạo thành chuỗi phát triển sang lĩnh vực chăn nuôi, tiêu thụ và bước đầu đã thành công...
Post a Comment