Theo số liệu chính thức được công bố ngày 5/2, năm 2020, kinh tế Indonesia chứng kiến lần sụt giảm đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giảm 2,07% so với năm trước. Đây là cú giảm mạnh so với mức tăng trưởng kỷ lục 5,02% của kinh tế nước này trong năm 2019.
Theo khảo sát với 17 nhà kinh tế của Reuters, dự báo kinh tế của Indonesia năm 2020 là giảm 2%. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đưa ra con số dự báo là âm 1,7 - 2,2%.
Lần suy giảm kinh tế gần đây nhất của "quốc gia vạn đảo" là vào năm 1998, khi GDP nước này lao dốc tới 13,1% do khủng hoảng tài chính châu Á, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Mặc dù mức suy giảm hơn 2% của kinh tế Indonesia vẫn tốt hơn nhiều so với nước láng giềng Philippines (với mức giảm kỷ lục 9,5%), 2020 vẫn là một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Dù không áp dụng phong tỏa toàn diện, nhưng các biện pháp giới hạn hoạt động xã hội đã được thực hiện xuyên suốt năm 2020 tại Indonesia gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp cũng như hộ gia đình. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 của quốc gia này là 7,07%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Dữ liệu cho thấy trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 8/2020, có khoảng 2,67 triệu người Indonesia mất việc.
GDP quý 4/2020 của nước này giảm 2,19% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nền kinh tế sụt giảm 3,49% trong quý 3. Tính đến nay, Indonesia đã có 3 quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Trước tình hình đó, chính phủ Indonesia đã đẩy mạnh chi tiêu nhằm thúc đẩy tiêu dùng, tuy nhiên cũng chỉ giải ngân được 83,4% gói kích thích trị giá 695.200 tỷ Rupiah (49,5 tỷ USD) tính tới cuối năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia ngày 4/2 cho biết nước này sẽ tăng ngân sách để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau Covid-19 lên 619.000 tỷ Rupiah trong năm nay. Chính phủ Indonesia ban đầu đưa ra gói ngân sách trị giá 372.300 tỷ Rupiah nhưng sau đó nâng lên 553.090 tỷ Rupiah vào cuối tháng trước.
Indonesia đang kỳ vọng chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ hỗ trợ phục hồi nền kinh tế nhanh hơn. Nước này ưu tiêm tiêm vaccine cho nhóm người trong độ tuổi lao động để họ có thể nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Indonesia sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm 2021 nhưng kết quả này phụ thuộc vào việc nước này nới lỏng dần các biện pháp hạn chế đi lại đồng thời triển khai tiêm chủng vaccine an toàn và hiệu quả trên diện rộng.
Post a Comment