Tiếp đà năm 2020, Kho bạc Nhà nước đang cố gắng đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, liên tục trong những tuần gần đây, kênh huy động vốn này lại bị “ế” hàng.

Cụ thể, tuần qua (1/2 đến 5/2), Khi bạc Nhà nước chỉ huy động được 80/6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu, tức tỷ lệ trúng thầu chỉ 1,3%.

Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại, riêng kỳ hạn 20 năm huy động được 80/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 20 năm giữ nguyên tại 2,89%.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp cũng chỉ đạt trung bình 13.053 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 14.484 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.

Diễn biến trên không phải mới xuất hiện. Trong tuần trước nữa (25/1 đến 29/1), sức hấp thụ của thị trường cũng đã có dấu hiệu không tốt khi Kho bạc Nhà nước chào thầu 10.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng chỉ huy động thành công 7.496 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu 75%.

Theo giới chuyên môn, tại thời điểm này, hệ thống các ngân hàng thương mại đang tập trung đáp ứng mùa thanh toán và chi trả cận Tết Âm lịch nên thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ trầm lắng.

Quả thật, ghi nhận trên thị trường, lãi suất qua đêm liên ngân hàng sau 7 tháng duy trì ở vùng 0,1 – 0,2%/năm, đến nay đã tăng vọt vượt qua mốc 2%/năm. Chốt ngày 5/2, các mức lãi suất ở mức qua đêm 2,0%; 1 tuần 0,21%; 2 tuần 0,28% và 1 tháng 0,38%.

Đồng thời, chỉ trong tuần đầu tháng 2/2021, Ngân hàng Nhà nước cũng phải bơm ròng tới hơn 24.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản hệ thống.

Được biết, kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước trong quý 1/2021 có tổng mức phát hành là 100.000 tỷ đồng, tăng mạnh 40.000 tỷ đồng so với mức 60.000 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tính đến ngày 20/1/2021, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành là 16.000 tỷ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân đạt 16,17 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,49%/năm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top