PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, người trực tiếp tham gia Đoàn công tác chống dịch Covid-19 của tại Hải Dương ngày 6/2 nhận định, tình hình các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và được "khóa chặt", không còn khả năng lây lan cho cộng đồng.
Thông tin về tình hình dịch, PGS.TS Trần Như Dương cho biết, đợt dịch này cho đến nay đã ghi nhận gần 400 ca mắc tại 12 tỉnh thành phố, trong đó số ca ghi nhận nhiều nhất tại tỉnh Hải Dương.
Ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, Bộ Y tế đã huy động một lực lượng rất lớn các đoàn chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực hỗ trợ kịp thời cho các địa phương như: Hải Dương, Điện Biên, Gia Lai với số lượng lên đến hàng nghìn người.
"Có thể nói cho đến hôm nay (6/2) tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt. Các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và được "khóa chặt", không còn khả năng lây lan cho cộng đồng như ổ dịch tại sân bay Vân Đồn, công ty POYUN, Chí Linh, Hải Dương. Ngoài ra, các ổ dịch xâm nhập ở các địa phương khác cũng đã được khoanh vùng xử lý triệt để ngay", ông Dương nói và cho hay dù vậy chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh phức tạp.
Do vậy, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan và phải cùng nhau chống dịch với những nỗ lực cao nhất.
Theo ông Dương, đợt dịch lần này chúng ta phải đối mặt với kẻ thù vô hình nguy hiểm hơn nhiều, đó là biến chủng virus từ Anh lây lan rất nhanh và mạnh.
Bên cạnh đó số người mang virus không triệu chứng cũng rất cao, nên để phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng đòi hỏi phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh trên diện rộng với số lượng lớn.
Ông Dương cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm trong tình hình mới chúng ta phải thay đổi chiến lược gộp mẫu, nếu như trước đây chủ yếu xét nghiệm mẫu đơn hoặc gộp mẫu 5 thì đến cụm dịch ở Quảng Ninh và Hải Dương, Bộ Y tế đã cho phép làm gộp mẫu từ 10-12 mẫu trong một lần xét nghiệm.
"Nhóm mẫu nào xuất hiện dương tính thì lập tức cho cách ly ngay và tiến hành tách ra làm mẫu đơn để phát hiện chính xác được người nhiễm bệnh. Với cách làm này vừa nhanh lại tiết kiệm được rất nhiều sinh phẩm", ông Dương nhận định.
Ông Dương đánh giá, chiến lược gộp mẫu hoàn toàn có cơ sở khoa học vững chắc và rõ ràng, nhiều nghiên cứu quốc tế cũng như nhiều nước đã áp dụng chiến lược này.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương triển khai nghiên cứu, phát triển quy trình chuẩn từ rất sớm.
Kết quả nghiên cứu của Viện đã khẳng định việc gộp nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm là hoàn toàn khả thi, chính xác, tin cậy với độ nhậy và độ đặc hiệu cao tương đương như khi làm mẫu đơn.
Liên quan đến việc cách ly F1, ông Dương nhấn mạnh là đối tượng này bắt buộc phải cách ly tập trung thay vì tại nhà do tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh, nguy cơ mắc là rất cao.
"Việc cách ly tại nhà thường rất khó triệt để và khó kiểm soát, chỉ cần người F1 lơ là vi phạm quy định cách ly thì nguồn bệnh sẽ lây ra cộng đồng. Nhưng nguy cơ thứ hai còn nguy hiểm hơn nhiều là khi để F1 tại nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình thì nguy cơ F1 sẽ làm lây nhiễm cho các thành viên khác là rất lớn", ông Dương lưu ý và cho hay theo các tổng kết của thế giới, để F1 trở thành F0 trong cùng một nhà thì có thể làm lây cho 80% - 100% thành viên trong gia đình.
Theo ông Dương, trong khi đó các gia đình ở Việt Nam có nhiều thế hệ cùng sinh sống như người già, trẻ em, người có bệnh lý nền…nên khi bị lây nhiễm sẽ gây bệnh nặng và tử vong cho những người trong gia đình. "Nhiều nước áp dụng việc này và đã có những hậu quả lớn", ông Dương cho biết.
Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến rất gần, ông Dương khuyến cáo người dân trong dịp Tết không nên đi đến vùng đang có dịch. Một số thói quen có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cũng cần thay đổi như thay vì đi từng nhà gặp gỡ trực tiếp để chúc Tết thì có thể nhắn tin, gọi điện…
Post a Comment