Trong bài phát biểu chính sách đối ngoại đầu tiên kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden cam kết khôi phục lại các liên minh của Washington thông qua ngoại giao và lập lại vị thế lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế.
"Nước Mỹ đã trở lại, ngoại giao đã trở lại", hãng tin CNBC dẫn lời ông Biden phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/2 . Ông nói chính quyền ông sẽ tiến tới "xác lập lại uy tín và sức mạnh chân lý" của nước Mỹ.
"Tôi muốn mọi người làm việc trong tòa nhà này và trong các đại sứ quán và lãnh sự quán của chúng ta trên khắp thế giới biết rằng tôi trân trọng chuyên môn của các bạn và tôi tôn trọng các bạn. Tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn", ông Biden nói với các quan chức và nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Chính quyền này sẽ mang lại sức mạnh cho các bạn để các bạn làm công việc của mình, chứ không nhằm vào hay chính trị hóa các bạn", ông Biden nói, thừa nhận sự suy giảm nhân sự tại Bộ Ngoại giao sau nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump.
Trong bài phát biểu kéo dài, tân Tổng thống đưa ra tầm nhìn của ông về giải quyết những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm thương chiến với Trung Quốc và căng thẳng với Nga. Ông kêu gọi các đồng minh và đối tác của Mỹ hợp lực và hứa sẽ sát cánh cùng họ trong những vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu và chống đại dịch Covid-19.
"Khi chúng ta củng cố liên minh, chúng ta sẽ gia tăng sức mạnh cũng như khả năng chống lại những mối đe dọa trước khi chúng gõ cửa", ông Biden nói. "Nước Mỹ không thể vắng mặt lâu hơn nữa trên trường quốc tế".
Thông điệp mà chính quyền của ông Biden đưa ra hoàn toàn trái ngược với chủ trương đối ngoại "nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Trong nhiệm kỳ cầm quyền của mình, ông Trump thường xuyên gây sức ép đối với các đồng minh chủ chốt của nước Mỹ. Ông cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng các thành viên của liên minh quân sự mạnh nhất thế giới này không có đóng góp tài chính xứng đáng cho liên minh.
Tại một hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm 2019, ông Trump thẳng thừng chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc nước này không chi đủ 2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cho quốc phòng như mục tiêu đề ra tại thượng đỉnh của khối ở Wales hồi năm 2014. "Chúng tôi đang chi 4-4,3%, trong khi Đức chỉ chi có 1-1,2% của một lượng GDP nhỏ hơn nhiều. Như thế là không công bằng", ông Trump nói.
Tháng 6 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố kế hoạch rút 9.500 binh sỹ Mỹ khỏi Đức để triển khai ở các nơi khác.
Ông Biden ngày 4/2 nói rằng Lầu Năm Góc đã được hướng dẫn dừng kế hoạch rút quân khỏi Đức.
Về quan hệ với Nga, ông Biden nói ông sẽ có một phương pháp tiếp cận khác với Tổng thống Vladimir Putin so với cách của ông Trump. "Tôi đã nói rõ với Tổng thống Putin, theo một cách rất khác với người tiền nhiệm của tôi, rằng những ngày tháng mà nước Mỹ làm ngơ với những hành động gây hấn của Nga, việc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ, tấn công mạng… đã kết thúc", ông Biden nói.
"Chúng tôi sẽ hiệu quả hơn trong việc ứng xử với Nga khi chúng ta hành động trong liên minh và có sự phối hợp với các đối tác cùng quan điểm", ông nói thêm.
Về quan hệ với Trung Quốc, ông Biden nói sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với đồng minh để gia tăng sức ép lên Bắc Kinh. "Chúng ta sẽ đối đầu với những hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc", ông nói, đồng thời miêu tả Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất" của Mỹ.
"Nhưng chúng ta cũng sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh nếu việc đó là cần thiết cho lợi ích của nước Mỹ. Chúng ta sẽ cạnh tranh trên vị thế sức mạnh, bằng cách xây dựng lại tốt hơn liên minh và hợp tác với các đồng minh và đối tác".
Về vấn đề người tị nạn, ông Biden cho biết sẽ nâng hạn chế số người được phép vào Mỹ tị nạn hàng năm lên 125.000 người, bắt đầu từ ngày 1/10. Khi lên cầm quyền vào năm 2017, hạn chế tị nạn trong năm tài khóa đó do chính quyền Tổng thống Barack Obama để lại là 110.000 người. Khi rời nhiệm sở, ông Trump để lại mức hạn chế chỉ 15.000 người được vào Mỹ tị nạn trong tài khóa hiện tại, mức thấp nhất kể từ khi Mỹ thông qua Đạo luật Tị nạn vào năm 1980.
Post a Comment